Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

KINTI


CHỜ & ĐỢI



cứ như thế tôi sống với nỗi buồn

lặng lẽ trôi

trôi về đâu không rõ…

ngày chưa qua

đêm không đến

chỉ có chờ…

…chờ những gì không rõ…

cứ ngư thế tôi sống với nhớ thương

thương xa lắm…

một phương trời chưa biết…

và như thế

tôi cũng đành phải đợi…

…đợi đến bao giờ…

cứ như thế tôi sống với tình yêu

vừa thụ thai chưa biết ngày sinh…

em có biết chỉ dùm tôi đi chứ…

tình yêu của tôi…

tôi: - chờ & đợi đến bao giờ…


Thứ Ba, 2 tháng 12, 2008

hợp xướng truyện Kiều


Tác giả: Vũ Đình Ân

Ca sỹ: Hợp xướng

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Nguyễn Quang Thiều

Theo CAND Online

Lê Vân - Như một cái cây sau bão

08:42:39 17/11/2008

Nguyễn Quang Thiều

Khi tôi viết về cuốn tự truyện của Lê Vân. Tôi gọi chị là một ví dụ đúng cho việc tập nói thật của chúng ta. Dù thế nào thì việc dám nói ra sự thật cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta nói dối hoặc nói vòng vo quá lâu rồi. Đã đến lúc chúng ta phải nói thật cho dù việc nói thật của chúng ta còn có những vụng về và thậm chí bị kết án vì một lý do khác nữa.

Cuối cùng tôi đã ngồi xuống và viết về người đàn bà hồng nhan bạc phận này. Tôi dùng chữ đó có thể làm chị phiền lòng. Nhưng dù chị có vậy tôi cũng phải nói với chị rằng: bất kỳ ai đã sinh ra và đi qua đời sống này, người đó phải đi qua tất cả những gì đời sống ấy có.

Khi tôi ngồi uống cà phê với chị trong một buổi sáng cuối năm 2006, tôi muốn về nhà ngay lúc đó và ngồi xuống viết tất cả những gì tôi nghe chị nói và những gì tôi suy ngẫm từ những câu chuyện rời rạc của chị. Nhưng tôi phải thú thực rằng chỉ sau đó một ngày, tôi đã ngại viết về những câu chuyện của chị. Tôi ngại cho chị và ngại cả cho tôi.

Chị vừa đi qua những ngày thật khó khăn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và xã hội. Những ngày ấy chứa đựng tất cả: yêu thương, chia sẻ, nổi giận, mắng nhiếc, hằn học, chân thực, giả dối…Điều đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ai cũng phải đi qua tất cả những thứ ấy. Không ai trốn thoát được. Tôi cũng thế.

Nhưng cuộc sống lớn như chẳng để ý đến những ngớ ngẩn, hẹp hòi của chúng ta. Cuộc sống vẫn đẹp. Đó là chân lý. Nhưng nó đẹp không phải vì chúng ta che giấu những tồi tệ của chúng ta trộn lẫn trong nó. Nó đẹp nhiều hơn bở sự nói thật của chúng ta. Tôi đã có những giây phút lưỡng lự khi viết dòng chữ này. Nhưng giờ đây tôi đã viết.

Buổi sáng mùa đông ấy. Chúng tôi ngồi uống cà phê. Chị mang vẻ đẹp của một cái cây sau bão. Một chút rối bời và một chút mệt mỏi vẫn còn đọng trên gương mặt như còn quá ít cảm xúc của chị. Một vài người đi vào quán cà phê đó đều cố ý đi qua chiếc bàn chúng tôi đang ngồi để nhìn chị. Nhìn với con mắt tò mò để tận mắt chứng kiến người đàn bà viết một cuốn sách mà chưa có ai dám viết về cha mẹ mình, về những người ruột thịt, về những người tình và những người chồng.

Có hai người tôi quen cũng đến bắt tay tôi nhưng mắt lại nhìn chị. Có thể những người bạn tôi lúc đó sẽ tự hỏi cái lão Thiều gù này ngồi với người đàn bà kia để làm gì nhỉ. Thật đơn giản, ngồi để nghe những câu chuyện rời rạc và mệt mỏi của một người đàn bà, để biết thêm một số phận không yên bình. Để muốn biết những gì đã xẩy ra trong tâm hồn của một người như thế.

Với giọng nói hầu như không thay đổi nghịp điệu theo cảm xúc, chị kể với tôi chị vừa tìm được một bạn đọc kỳ lạ. Một người đã chia sẻ với chị như một tri âm. Đặc biệt là khi nói đến câu chuyện đó, chị như một đứa trẻ tìm thấy bóng dáng một người thân trong cái nhà trẻ xa lạ của ngày đầu tiên bị gửi vào đó.

Chị không tìm một đồng minh. Chị không tìm một nhân chứng. Chị tìm một tri âm. Cái làm cho con người rơi vào cô đơn trong chính chốn ồn ào nhân thế là không tìm được tri âm của mình. Cuộc đời luôn luôn đẩy chúng ta vào một trò chơi ác độc. Nó không cho chúng ta tìm thấy tri âm của mình ở chính nơi có những người chung giòng máu với mình.

Một sự thật làm chúng ta sợ hãi là ngay chính cha mẹ ta sinh ra ta và che chở ta cả đời mà hầu như lại không trở thành tri âm của ta. Đấy là sự thật. Đấy cũng là bi kịch. Ta kính cha, kính mẹ, ta sẵn sàng chết vì cha, vì mẹ ta. Thế mà ta lại tìm thấy tri âm ở một kẻ khác có khi chỉ đi qua đời ta có một lần. Và sau những cơn sóng gió kể từ khi cuốn tự truyện ra đời, chị vẫn lang thang tìm một tri âm cho mình.

Chị đã một mình trở lại ký ức để gọi tên những người ruột thịt, để tìm ra kẻ tri âm. Nhưng chị đã thất bại. Giữa một gia đình của những nghệ sỹ danh tiếng, chị không tìm thấy tri âm. Điều ấy ngẫm kỹ đâu có gì khó hiểu. Chị không có lỗi. Những người ruột thịt của chị không có lỗi. Đấy chỉ là cách đi quá bí ẩn, lạ lùng và quá khắc nghiệt của đời sống mà thôi.

Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa lý giải thật thoả đáng cho chính tôi cái quyết định của chị rời bỏ con đường nghệ thuật của mình. Chị đã bước vào con đường nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Thế mà sau mấy chục năm theo đuổi bỗng một ngày chị chia lìa nó và không một lần ngoái lại. Vì sao? Tôi hỏi chị lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba. Vẫn chỉ một câu trả lời đầy vô cảm: nhạt nhẽo.

Một câu trả lời không cường điệu. Một câu trả lời không một chút luyến tiếc. Tôi nhìn thấy điều ấy. Nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn. Có lúc tôi tin lời nhận xét của một số người biết chị rằng chị là người đàn bà giá lạnh. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là sự giá lạnh của tâm hồn mà đó là một ý chí. Bản thân tôi đã chứng minh cho tôi điều ấy. Vì có những thứ làm tôi cảm thấy vô cảm mà nhiều lúc tôi vẫn lưỡng lự hoặc vẫn dày vò khi có ý định đoạn tuyệt nó. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn không sao đến được tự do mà tôi nhìn thấy nó cách chỉ một bước chân.

Tôi đã tâm sự với một người bạn về sự đoạn tuyệt của chị với con đường nghệ thuật của chị. Bạn tôi không đồng ý với tôi rằng chị biết đi đến tự do cá nhân của mình. Bạn tôi nghĩ chị giá băng, nghĩ chị vô cảm, nghĩ chị quá coi thường thiên hạ. Ý kiến của bạn tôi đã có một khoảnh khắc nào đấy làm tôi lúng túng. Nhưng ngay sau đó tôi lại trở về với cách nhìn của tôi. Chị đã nhận thấy sự nhạt nhẽo trong cái nghệ thuật chị theo đuổi suốt mấy chục năm. Không phải cái nghệ thuật ấy nhạt nhẽo mà có lẽ bởi những ai đó và những cái gì đó mang danh nó nhạt nhẽo.

Chị đã đi qua ba cuộc hôn nhân trong một nửa cuộc đời. Một người đàn bà như thế thì phải có một trái tim khát khao yêu thương vô cùng mãnh liệt và cũng là người phải chịu kiếp trầm luân. Việc yêu và sống với những người đàn ông đã có vợ là sức mạnh của tình yêu hay là thói vô đạo đức? Ai dám trả lời điều này một cách chắc chắn khi không đặt mình vào thực tế đó?

Trả lời điều này không dễ dàng một chút nào đối với quá nhiều người. Bởi thế mà chị vừa được chia sẻ vừa bị lên án. Nhưng những quyết định trong tình yêu của chị hoàn toàn giống cái quyết định rời bỏ vĩnh viễn con đường nghệ thuật chị có không ít thành công mà nhiều nghệ sỹ mong muốn.

Một buổi sáng ngồi uống cà phê không đủ để tôi tìm ra toàn bộ sự thật về chị. Nhưng đôi khi chúng ta phải dùng toàn bộ những trải nghiệm kể cả những sai lầm chết người của chúng ta để lý giải một điều nào đó rất giản đơn của người bên cạnh. Nếu không chúng ta sẽ trở thành những kẻ đạo đức giả hoặc là những kẻ vô tâm.

Trong ba cuộc hôn nhân đều không có cuộc hôn nhân nào chính thức. Chị chưa một lần đăng ký kết hôn với bất cứ người đàn ông nào. Nhưng cuộc hôn nhân thứ nhất vẫn là cuộc hôn nhân để lại trong lòng chị cho tới tận bây giờ những ký ức đẹp và buồn nhất. Chị không phải là người chạy hết cuộc hôn nhân này đến cuộc hôn nhân khác. Chị chạy theo con đường mà chị tin sẽ đưa chị tới hạnh phúc và bình yên. Tôi thấy chị chạy và chạy cho tới tận bây giờ vẫn chưa dừng lại. Hình ảnh một người đàn bà như thế sẽ làm chúng ta nổi giận hay đau xót, cảm thông???

Nếu Lê Vân là một người ruột thịt của ta thì ta sẽ lo lắng và thương chị như thế nào. Có ai căm thù con gái mình, chị gái mình hay em gái mình và uất ức nguyền rủa sao mày lăng nhăng thế, sao mày không chỉ sống với một thằng đàn ông thôi để chúng tao đỡ khổ, đỡ mất danh giá? Danh giá là gì khi không mang lại hạnh phúc giản đơn là được yêu cho một con người.

Lê Vân là một người hiểu biết và tôi tin chị hiểu thế nào là hạnh phúc. Chị có thể lầm lạc trong một ngày một tuần hoặc một tháng chứ không thể lầm lạc cả nửa đời người. Ai sẽ đồng ý với tôi điều này và ai sẽ không đồng ý. Nhưng đồng ý hay không đồng ý thì cũng chẳng có gì quan trọng. Cái điều quan trọng nhất là người ta được theo đuổi những gì người ta tin là hạnh phúc cho dù chẳng bao giờ đến được. Nhưng được hành động vì khát vọng và đức tin của mình đã là một hạnh phúc. Đấy là hạnh phúc của những con người dám sống.

Bây giờ chị đã có một gia đình với người chồng nước ngoài. Đây là cuộc hôn nhân lần thứ ba. Chị đã có hai con. Chồng chị lang thang với công việc và ba bốn tháng mới về với mẹ con chị. Họ sống với nhau chừng mươi ngày với một thứ ngôn ngữ còn nhiều xa lạ. Chồng chị không biết tiếng Việt còn chị không thạo tiếng Anh.

Họ sẽ nói gì với nhau trong những buổi tối ngắn ngủi ấy. Chị chưa bao giờ đặt chân đến mảnh đất quê chồng. Chị chưa bao giờ đòi hỏi người đàn ông kia một tờ hôn thú. Người đàn ông kia cũng chẳng hứa hẹn gì với chị. Và một ngày nào đó, người đàn ông đó có thể rời bỏ chị ra đi. Chị không có quyền giữ người đàn ông ấy lại. Cũng như không ai và không cái gì có quyền giữ chị lại khi mà tất cả đã trở nên nhạt nhẽo. Bởi cuộc đời tưởng rất dài nhưng thực ra vô cùng ngắn ngủi. Nếu người ta tỏ ra đức hạnh nhưng lòng khô cạn và vô cảm thì sống 100 năm phỏng có ích gì.

Trước kia, một người con gái không chồng mà có con thì bị xã hội coi như con hủi. Nhưng ngày nay, rất nhiều người con gái chọn lựa con đường đó. Bởi người đàn ông mà họ yêu, họ dâng hiến và hạnh phúc có thể đã có một gia đình. Họ có thể không phá vỡ cái tổ chức quen thuộc của gia đình: Bố-mẹ-con cái của người đàn ông họ yêu. Nhưng họ không vì thế mà không được quyền dâng hiến và đón nhận hạnh phúc. Sự thật là vậy. Quan niệm mới của xã hội và những điều khoản của luật pháp đã mang lại cho con người nhiều hơn ý nghĩa của hạnh phúc và tự do.

Bây giờ ngày ngày chị giấu mình trong nhà với hai đứa con và những công việc nội trợ. Chị đã bước vào tuổi năm mươi. Chị biết đến một ngày, các con chị sẽ phải trở về một đất nước châu Âu mà cha đẻ chúng chọn làm tổ quốc. Chị sẽ phải đi theo chúng. Chị nói với tôi chị đợi chờ chuyến đi định mệnh ấy. Đợi chờ không bằng hạnh phúc mà bằng sự sợ hãi. Chị sẽ phải rời xa quê hương mình. Dù nơi đó có 9/10 người không chia sẻ và cảm thông với chị thì vẫn là quê hương. Bởi ngoài con người lúc đen lúc đỏ ra, thì nơi quê hương vẫn còn có những ngôi nhà, những con đường, những cái cây, những cơn mưa, những món ăn và những giọng nói của ngôn ngữ mẹ đẻ cho dù cay đắng một lúc nào đó…

Chị nói chuyến đi ấy giống như cái chết. Chị nói với gương mặt quá ít biểu lộ cảm xúc. Nhưng giọng nói của chị lúc đó tôi nghe như một tiếng kêu đau đớn. Ai sẽ hiểu được tình cảm này của chị. Nếu chị chỉ mới mười tám đôi mươi thì chuyến đi như thế dễ dàng hơn nhiều mà có khi còn đầy hấp dẫn. Nhưng chị đã năm mươi tuổi. Một người đàn bà năm mươi tuổi thường mang theo quá nhiều nỗi sợ trong khi một người đàn ông năm mươi vẫn có thể rất hào hứng bắt đầu một chặng mới của cuộc đời kể cả việc hôn nhân.

Tôi đã hình dung nhiều lần cảnh tượng một người đàn bà đã năm mươi tuổi rời bỏ quê hương xứ sở mình về một chốn xa xôi để sống một cuộc sống tràn ngập những xa lạ quanh mình. Những đứa con chị sẽ lớn và chúng sẽ chìm vào cuộc sống riêng tư và lối sống ở một nước châu Âu. Để mỗi tuần và có thể mỗi tháng hoặc lâu hơn nữa mới trở về nhìn mẹ chúng và giơ tay chào chị với một câu tiếng Anh: Hi, Mum.

Chị không phải là người đàn bà châu Âu. Chị là một người đàn bà Việt Nam sinh ra và lớn lên ở chính xứ sở chị đã nửa thế kỷ. Chị không thể chịu đựng nổi một cuộc sống như thế. Chính vậy mà câu nói của chị về chuyến đi sẽ xẩy ra ấy giống như cái chết là một hiện thực.

Viết đến đây tôi nhớ một người lính Tây Ban Nha tham chiến ở Việt Nam như một người lính đánh thuê cho quân đội viễn chinh Pháp. Ông đã bỏ quân đội xâm lược ấy để đi theo những người lính Cụ Hồ. Ông lấy vợ làm ở nhà máy dệt Nam Định. Nhưng vợ con ông bị bom Mỹ giết chết năm 1964. Ông sống độc thân ở Việt Nam một thời gian nhưng khi già ông đã tìm cách trở về Tây Ban Nha. Ông cần được trở về với những gì thân thuộc của tuổi thơ ông. Nhưng vì lý do gì đó mà ông không về được Tây Ban Nha.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cuba đã đưa ông về Cuba để ông sống những năm tháng tuổi già. Vì ở Cuba, ông sẽ có cơ hội cảm nhận được gần hơn văn hoá và phong vị đời sống của nơi ông sinh ra và lớn lên mà thiếu những điều ấy tâm hồn ông sẽ đau đớn vô cùng. Tôi không còn nhớ tên Tây Ban Nha của ông. Nhưng tôi nhớ cái tên Việt Nam của ông: ông Nho. Khi còn học ở Cuba, tôi thi thoảng gặp ông Nho ở Đại sứ quán Việt Nam. Và lần nào cũng vậy, tôi chỉ thấy một gương mặt chứa đầy nước mắt của ông. Bởi Cuba dù có gần gũi Tây Ban Nha như thế nào thì cũng không bao giờ là Tây Ban Nha.

Câu chuyện ông Nho tôi kể có thể sẽ là hiện thực được báo trước của chị. Nhưng chị vẫn phải đi dù chị hoàn toàn tin cái hiện thực được báo trước ấy. Đấy là phẩm chất kỳ lạ của mọi người đàn bà. Thiết nghĩ, câu chuyện này sẽ cho chúng ta hiểu thêm về chị.

Tôi hỏi chị nếu bây giờ lại có một người đàn ông đầy uy lực của sự quyến rũ đến trước cửa nhà chị và gọi chị đi thì chị sẽ làm thế nào? Một thoáng rùng mình đi qua con người tưởng giá lạnh và ý chí này. Chị nói chị sợ điều đó xẩy ra. Chị mong điều đó đừng đến nữa. Nhưng nếu điều đó đến thì chị cũng không biết sẽ phải làm thế nào.

Chị có thể đóng cửa quay vào và trốn trong bóng tối của ngôi nhà. Chị cũng có thể bỏ ngôi nhà ấy và chạy theo tiếng gọi vừa hạnh phúc vừa nguy hiểm kia. Chị không thể nói trước một điều gì. Không ai trong chúng ta có thể nói trước điều gì trừ khi trái tim chúng ta đã giá lạnh hoàn toàn. Chính điều này mà tôi tin chị không phải là một người băng giá. Tôi tin chị chỉ rời bỏ những gì nhạt nhẽo và thét lên vì những nhạt nhẽo mà thôi. Và tôi tin chị là một người dám sống cho chính mình, dám đi đến tự do.

Tôi đã từng viết: đi qua máu để đến với tự do đã khó, nhưng đi qua hoa thơm để đến với tự do còn khó hơn. Tất nhiên có không ít người đã nhầm lẫn giữa tự do cá nhân và sự vô trách nhiệm. Lê Vân đã sống như chị muốn. Chị vừa được tự do vươn tay để chạm vào những gì chị tin đó là hạnh phúc và vừa phải ghánh chịu những thách thức và những mất mát đối với riêng chị.

Mọi sự ồn ĩ về cuốn tự truyện đã và đang qua đi. Cả những người mắng nhiếc chị và những người chia sẻ với chị lại bị cuốn vào những câu chuyện của riêng họ. Chỉ còn lại chị với số phận của chị mà chị là người duy nhất quyết định nó. Chỉ chị mới biết được chị hạnh phúc hay không hạnh phúc.

Một người đàn bà từng danh tiếng và vẫn còn nhan sắc giờ im lặng trong ngôi nhà như một người ở nhẫn nại cho những đứa con và người chồng không hôn thú đang nói với chúng ta điều gì? Có người nghĩ đó là sự đọa đày. Có người nghĩ đó là hạnh phúc. Tôi tin đó là hạnh phúc của chị. Hạnh phúc của con cá trong nước và hạnh phúc của một con chim trên trời không khác nhau. Chỉ có một điểm khác là chúng không thể đánh đổi hạnh phúc cho nhau mà thôi. Vì khi đánh đổi thì hạnh phúc của người này ngay tức khắc trở thành nỗi bất hạnh của người khác.

Bởi thế tôi muốn im lặng lắng nghe bước chân một số phận chứ không phán xử số phận ấy. Lê Vân là một số phận vì một số lý do mà chúng ta biết được. Nhưng còn bao số phận như chị chúng ta không biết. Tôi cũng đã từng viết về hạnh phúc trong bài Một buổi chiều của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Tiền Phong Cuối Tuần số 2): "Hạnh phúc thực sự bền vững là hạnh phúc tự mình ngộ ra trong cõi vô tận của lòng mình. Hạnh phúc mà cứ phải cần cho thiên hạ biết và mang cho thiên hạ bàn luận và đồng ý đâu phải là hạnh phúc. Bởi trong cái gọi là hạnh phúc ấy đã chữa sẵn dục vọng rồi".

Khi tôi viết về cuốn tự truyện của Lê Vân. Tôi gọi chị là một ví dụ đúng cho việc tập nói thật của chúng ta. Dù thế nào thì việc dám nói ra sự thật cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Chúng ta nói dối hoặc nói vòng vo quá lâu rồi. Đã đến lúc chúng ta phải nói thật cho dù việc nói thật của chúng ta còn có những vụng về và thậm chí bị kết án vì một lý do khác nữa.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói với tôi ông đã đọc bài báo đó và ông đồng ý quan điểm của tôi. Quá nhiều người trong chúng ta luôn luôn hoảng sợ với sự nói thật của mình và hoảng sợ với cả sự nói thật của người khác. Chúng ta thừa biết sự nhạt nhẽo đang gặm nhấm chính chúng ta và những người quanh ta. Nhưng quá nhiều người trong chúng ta đã không dám kêu lên. Đấy chính là điều đáng hổ thẹn.

(Trích sách Người - Tác giả: Nguyễn Quang Thiều)

Theo CAND Online

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2008

Trần Kiêm Đoàn

Theo Talawas

Trần Kiêm Đoàn

Tiêu Dao Bảo Cự và “Mảnh trời xanh trên thung lũng”

Mảnh trời xanh trên thung lũng là một tác phẩm “bút sự” của Tiêu Dao Bảo Cự do Văn Mới xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 2007 (ghi trong phần thông tin xuất bản); nhưng mãi tới năm 2008 mới đến tay độc giả ở Mỹ.

Tạm quên đi những thể loại văn chương quy ước để gọi cuốn sách dày 730 trang này là “bút sự” vì đây là một tập hợp tuyển văn mang đậm nét tự sự. Nhưng đây cũng là một sự phối hợp đầy mầu sắc của ký sự, hồi ức, khảo luận, chính luận, triết luận, thơ,… qua những dòng tâm bút của tác giả. Đã viết ra những hoài niệm, suy tư và cảm xúc của mình thì có con chữ, dòng chữ, mớ chữ nào mà không là… tâm bút nhỉ? Đành vậy, nhưng khi tính hư cấu và lý luận mờ nhạt; nhường lại cho một nhịp độ cảm xúc, suy tư, trăn trở dồn dập, dâng trào và chiếm lĩnh gần hết dòng văn của tác giả thì chất “tâm bút” sẽ đậm đà hơn.

Thực tế, không ai hiểu những nhà văn, nhà thơ viết truyện, làm thơ lúc nào. Ở quán cà phê, nơi thư viện, trong vắng lặng, giữa bão loạn… qua tâm thức ngục tù hay phơi phới tự do chăng? Không phải là văn phong, cũng chẳng phải là văn ý mà là cái Văn Tình tỏa chiết mông lung trong tác phẩm làm cho người đọc hiểu được tác giả: Đọc chữ bên ni trần gian mà hiểu được cái… vô ngôn bên tê trời diệu vợi! (Ý của Từ Thẩm Hạnh – Taiwan, 2007)

Hiểu được cái cao vời hay sâu thẳm mà vì sự bất tài (những nhà văn lừng lẫy xưa nay đều cảm nhận sự “bất tài” đó vì cảm xúc khởi phát là đại dương mà điều viết ra là những dòng kinh rạch) nên tác giả chỉ nói ra được bằng lời một cách… cà lăm, cà cặp. Sau 49 năm thuyết giáo, đức Phật nói: “Ta chẳng nói điều gì cả!” Nguyễn Du kết thúc một Truyện Kiều đầy tình, hận mênh mông bi tráng lại tự thú như anh cai mõ đầu làng, rằng: “Mua vui cũng được một vài trống canh…!” Tagore sau một trường thơ hoa gấm đã nhắn lại với đời: “Những cảm thức thi ca thì bay vi vút như sao băng. Mà ta không băng mình theo kịp nên cả đời… cà lăm cà cặp!”whispering on stuttering…! Vì xúc động, vì yêu thương, vì hận thù và vì phải hóa giải hận thù vây bủa nên người nghệ sĩ vừa phải dấn thân, vừa phải đầu hàng để có thể yên thân đứng giữa hai sự cuốn hút cực đoan mà người ta quen gọi lơi khơi là… trung đạo chân tâm chăng?

Đọc văn của Tiêu Dao Bảo Cự là đọc… Văn Tình. Một nguồn tình cảm lãng mạn, vỡ bờ; nhưng cũng rất đậm tình người và chân thật. Mấy năm trước đây, khi đọc tác phẩm đầu tay Nửa đời nhìn lại; và bây giờ đọc Mảnh trời xanh trên thung lũng của Tiêu Dao Bảo Cự, tôi như thấy được thấp thoáng bóng mình một thời trong đó. Thấy được mình là thấy được bạn bè, những người tuổi trẻ Việt Nam thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam đã lớn lên bằng tuổi chiến tranh và bằng nỗi tự hào cùng khổ nhục của đất nước – hơn một nửa đã ra đi và còn một ít quanh đây – nên Bảo Cự tự nguyện làm trang sách mở rộng. Anh viết về những mảnh đời riêng của chính mình mà ngỡ như đang nói đến những vết thương xã hội, những ung nhọt còn đau nhức và những vết sẹo chưa lành qua những chặng đường thăng trầm của đất nước.

Tiêu Dao Bảo Cự là một “týp” con trai Huế điển hình thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam: Bão nổi, lý tưởng, lãng mạn, cố gắng trung thành với chính mình dù phải trả những giá đời bất chấp. Huế là vùng đất trầm lặng. Ngỡ như sinh con gái để làm… Tôn Nữ và sinh con trai để làm thầy dạy học hay ra làm… quan. Cái “tướng” hay sự biểu hiện của người con trai Huế bên ngoài có vẻ an phận thủ thường như thế; nhưng cái “tánh” hay bản chất đích thực bên trong là những cơn mưa nguồn thác lũ mỗi năm mười hai tháng tạo nên những “chấn động dị thường” – nói như kiểu Bùi Giáng khi ra Huế học. Người con trai Huế nào được chút học hành cũng đều có những giấc mộng lớn, canh cánh và máy động hoài bên những giấc mộng con. Giấc mơ“quyết ném thanh khâm sang cẩm tú, quyết xây bạch ốc lại lâu đài” là những ảo-ảnh-có-thực như hạnh phúc, như tình yêu, như quyền lực, như vinh quang, như tuyệt vọng. Người ta ngỡ nắm trong tay chắc mẩm một gia tài giá trị nào đó, nhưng rồi đột ngột ra đi một hột nút áo cũng không được mang theo! Con trai Huế vừa là tình nhân, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của những ảo ảnh có thực như thế trùng trùng vây quanh cuộc sống từ lúc mới ra đời.

Tiêu Dao Bảo Cự đã nhìn thấy được ước mơ, lý tưởng, bản lĩnh… tuổi trẻ phương cường của anh phóng chiếu trên một “mảnh trời xanh”. Thế nhưng, tới lúc ngoái nhìn về một dòng đời vừa bão liệt, vừa long đong đầy bi tráng đã trôi qua, đang trôi qua – và tiến gần tới chân cầu biên giới của một cõi về… ở phù du – anh mới thấy chỉ còn “mảnh trời xanh trên thung lũng”. Giá như sách chưa xuất bản khi tôi ngồi ăn cơm trưa với Bảo Cự ở nhà Võ Văn Cần tại Sài Gòn hai năm trước, có lẽ tôi sẽ đề nghị với anh là cứ ôm một “mảnh trời xanh” ấy; nhưng hãy mang nó ra khỏi bóng dáng một thung lũng nào đó, mà qua tác phẩm của anh sao tôi hình dung nó chơ vơ và buồn hiu hắt… chi lạ! Một mảnh trời xanh trên ảo vọng có đỡ buồn hơn chăng?

Sự chơ vơ với nét buồn hiu hắt của một thung-lũng-Bảo-Cự hiện bóng trong tôi khi đọc tác phẩm của anh. Thung lũng ấy phảng phất vẻ xót xa của một sự “cũng đành” và nhận chịu qua sự tưởng tượng của riêng tôi về một Tân Sở của vua Hàm Nghi, rồi một Réunion giam giữ vua Duy Tân… Căn cứ địa hay là chốn giam cầm thì cũng chỉ là những ngõ đường cùng không lối thoát về hệ lụy nhân sinh; thế nhưng đó là nơi khởi đầu sinh động cho một dòng sống có ý nghĩa để mình tìm lại được chính mình. Tôi lạnh mình đọc những dòng thơ ghi đậm nét ở bìa sau cuốn sách Mảnh trời xanh trên thung lũng xuất hiện như một sự minh họa thêm cho 5 dòng tiểu sử khiêm tốn của tác giả:


“Tôi một mình kinh hoàng quằn quại
Tôi giữa vô cùng
Giữa nghìn trước nghìn sau
Giữa người người lớp lớp
Tôi khát khao hơn sa mạc
Tôi rỗng không hơn hư vô
Tôi chết giấc trong quan tài thịt xương bé nhỏ
Tôi chỉ là tôi
Ai còn là tôi
Một đời tôi đói khát”


Khát khao hơn sa mạc mà lại rỗng không hơn hư vô… là một cặp phạm trù mang tâm thức triết lý lãng mạn hơn là ý chí hành động cách mạng. Một thi sĩ lãng mạn thật đáng yêu, nhưng một chiến sĩ (hay ít nhất mang tâm thức chiến sĩ) lãng mạn sao mà xót xa đến thế. Mang hư vô mà gọi đàn – Ai còn là tôi – để cùng dấn bước về đâu quanh triền thung lũng cô đơn ấy? Chỉ có người biết “mang hư vô” như kẻ hành hương mang thánh giá vào đời mới mong đạt được một lý tưởng làm người cần thiết mà Tiêu Dao Bảo Cự đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, rằng là, phải trả một giá rất đắt để được trung thành với chính mình. Kẻ không trung thành với chính mình, đánh đĩ với chân tâm, thì làm sao mà trung thành với tha nhân và thế cuộc...

Đối với những người ở phương Tây, có dịp đọc qua sự bi phẫn về thân phận làm người của các tuyến nhân vật trong Giờ thứ hai mươi lăm của Georghiu, Quần đảo Gulag của Alexander Solzhenitsyn, Những bàn tay bẩn của Jean Paul Sartre… thì quả thật những “sự cố” trong tác phẩm của Tiêu Dao Bảo Cự không còn xa lạ bao nhiêu. Thế nhưng, phần cuối mang tính tự truyện của cuốn sách được ghi lại một cách chi tiết sống thực và dồn dập như những dòng bút ký chiến trường: Vừa viết, vừa chạy, vừa dáo dác nhìn hầm hố chung quanh và mìn bẫy chết người. Tiêu Dao Bảo Cự và những người bạn đồng hành của anh như Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thế Lĩnh… cùng ở Đà Lạt, cùng một chí hướng phản kháng và đấu tranh bằng ngọn bút như nhau và cùng phải đương đầu trước một hoàn cảnh bức bách giống nhau.

Tiêu Dao Bảo Cự đã dành phần lớn số trang trong tác phẩm cho các đề tài đấu tranh chính trị với nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là một cuộc vận động tranh đấu đòi tự do dân chủ qua hình thức báo chí như thời Nhân văn - Giai phẩm. Từ thái độ phê phán, phản kháng đến đối kháng và có khi bất chấp. Nhưng cơ hội Ra Đường như Nhân văn - Giai phẩm thời thập niên năm mươi tại miền Bắc và Xuống Đường như phong trào sinh viên tranh đấu phát khởi từ Huế và lan khắp miền Nam thời sáu mươi đã bị khống chế chặt chẽ từ trong trứng nước.

Trước thử thách, Bảo Cự có lúc liên tưởng tới một lối xử thế tiếp vật bình dân là nếu gặp một tảng đá cản đường thì hãy đi quanh tìm một lối rẽ khác chứ chẳng ai năng động tới mức lấy sức bình sinh, đưa tay không đấm vào đá để mở đường. Nhưng ở đây (trong phần cuối của tác phẩm) những người “chọi đá” đã chọn một thái độ không có sự lựa chọn nào khác là nhận chịu hoàn cảnh. Không rẽ lối, không chọi đá mà nhìn chằm chằm vào đá. Đá không rung động hay hiểu được tia nhìn. Người nhìn không làm thay đổi đá cho nên sức mạnh phản kháng chỉ còn dồn tụ vào tâm thức. Khi nói đến tâm thức “chiến thắng, chiến bại” trong một cuộc đương đầu nào đó, người ta thuờng nhớ tới lão ngư phủ Santiago của Hemingway. Trong tác phẩm khiêm tốn về lượng mà vĩ đại về phẩm mang tên Ngư ông và biển cả (The Old Man and the Sea), văn hào này đã đưa ra một hình ảnh tuyệt vời của kẻ Khải hoàn Chiến bại (The Victory of Defeat). Nhân vật chính, ngư ông Santiago, sau tám mươi bốn ngày vật lộn với biển khơi không bắt được mống cá nào. Đến ngày thứ tám mươi lăm ông bắt được kình ngư. Nhưng qua bao nhiêu vật lộn gian nan cho đến khi về tới bến thì con kình ngư đã bị bọn tôm cá “chôm chỉa” dọc đường rút rỉa chỉ còn trơ lại bộ xương. Lão ngư ông Santiago ca khúc khải hoàn trong chiến bại nầy có đôi mắt tươi mới vén được trời xanh mà nhìn đời: “Tất cả nơi ông đều cũ mèm, trừ đôi mắt trong xanh mầu biển của lão rực lên vẻ gọi mời đắc thắng.” Và nơi ông chỉ có một con đường sáng rực hướng đi: “Con người ta sinh ra có thể bị hủy diệt nhưng không thể nào bị đánh bại.”

Luận anh hùng chớ kể hơn thua! Một ý niệm cổ điển rất Kinh Kha, rất “hảo hớn Tàu”, nhưng cũng đầy thuyết phục trên giá trị nhân bản và vị trí làm người thực tế.

Những tháng ngày cô đơn với mảnh trời xanh trên thung lũng Đà Lạt, Tiêu Dao Bảo Cự đã sống một cách rất… thiền, nếu hiểu thiền như là một sự tỉnh thức để nhận ra mình và sống trung thành với chính mình trong từng mảnh nhỏ hiện hữu của thời gian. Anh đã hé mảnh trời xanh để thấy được mặt mình, mặt người. Những mặt thật trắng như thời trẻ dại! Trong cảnh tranh tối, tranh sáng anh em nhìn rõ mặt nhau thật khó. Có một nhà văn nào đã kêu lên đầy xót xa như thế đó! Bảo Cự đã sống với thần hồn tiêu dao và thần trí bão loạn trong những ngày cô đơn nhất trên thung lũng, dưới mảnh trời xanh để khám phá được một sự thật mà ai cũng thấy, nhưng lại ít người dám sống:“Mùa khô năm nay, chắc do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dòng suối chảy qua vườn tôi và chiếc ao bé nhỏ của tôi bắt đầu cạn kiệt. Phải chăng khi nước trong ao khô cạn, tôi không thể nhìn bầu trời phản chiếu qua mặt nước cũng như khi tâm hồn ta không còn tình yêu, ta không thể hiểu được điều gì đẹp đẽ cao xa.” (Trang 719). Chính trị là cái ao khô cạn của tâm hồn nên chẳng có gì để nói và đáng nói trong thi ca thuần khiết.

Đã có một vài nhận định văn học cho rằng, nói đến tác phẩm văn chương của Tiêu Dao Bảo Cự là cần phải nói đến khía cạnh chính trị. Tôi lại nghĩ khác. Một nhà văn và một nhân vật chính trị khác nhau. Nhà văn nói đến thân phận của con người; trong khi nhà chính trị nói đến con người của thân phận – thân phận bị lãnh đạo, một cách nói khác là bị cai trị. Bởi vậy, nhà văn nhìn ngắm, chung sống và chia sẻ ngọt bùi với con người; trong khi nhà chính trị sử dụng, sở hữu và ngự trị con người. Nhìn nghệ thuật qua chính trị, chỉ thấy đền đài và văn bản. Nhìn Bảo Cự qua văn chương thì hãy trả anh về với mảnh trời xanh trên sương khói sông Hương…

*


Đất Huế, với phong thổ gian truân về mọi mặt đã tạo nên một tâm lý phản kháng: Phản kháng sự khắt khe của hoàn cảnh, phản kháng quyền lực áp bức đọa đày, và trên hết là phản kháng cái tâm thức an bài thủ phận. Nhưng bên cạnh đó, có một nguồn tâm lý thỏa hiệp, thanh thản, bình an đầy mâu thuẫn nẩy sinh. Thiên nhiên kỳ tú xung quanh đã mở ra những phương trời cao rộng cho những viễn tưởng – có khi chỉ là ảo vọng – về cuộc đời. Nhu cầu bứt phá bên cạnh nếp cũ an phận thủ thường đã thôi thúc tuổi trẻ Huế dấn thân đi tìm cái mới.

Người con trai, rồi đàn ông, Huế thường có một cái nhìn rõ nét và khắt khe lẫn tự hào về mình. Nhưng lại có cái nhìn mơ hồ và dễ dãi lẫn hoài nghi về người. Tâm lý vọng ngã (egoism) này là gốc rẽ của sự thành công bước đầu đối với các phong trào quần chúng nổi dậy chống áp bức và quyền lực thống trị. Thế nhưng, đấy cũng là nguyên nhân của hiện tượng “buông tay cho người khác cầm cương” ngay sau khi đợt gió đầu mùa của các cao trào phản kháng hay nổi dậy đã đi qua. Lịch sử cận đại với các biến cố từ Thất thủ Kinh đô, phong trào Cần Vương, kháng chiến chống Pháp, Phật giáo xuống đường, sinh viên tranh đấu… đã nói lên điều này.

Kẻ sĩ cả nước ngày xưa “tiến vi quan, thối vi sư”; nhưng riêng đàn ông con trai Huế thì bao đời qua vẫn “tiến vi kẻ sĩ, thối vi… nghệ sĩ”!

Xin tạm gác qua một bên những tiếng vọng xập xòe và những màu sắc lập lòe của những màn ảo thuật chính trị, để lạm bàn một chút về nghệ thuật… con trai đàn ông xứ Huế.

Những Nguyễn Thuyên, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Ưng Bình Thúc Giạ Thị… tiền bối. Những Phan Văn Dật, Bửu Kế, Văn Giảng Thông Đạt, Ngô Ganh, Phùng Quán, Võ Đình Cường, Lê Tuyên… thời cận đại. Và những Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Nguyễn Đính Trần Vàng Sao… thời đương đại hầu như đều xuất thân là những nhà giáo – nhà giáo vương phủ hay nhà giáo đại chúng thì cũng là thầy dạy học mà thôi. Thế nhưng cái khung nhà giáo với lớp học, bảng đen và bục giảng là những chiếc lồng bé tí xíu, làm sao nhốt được những tâm hồn bão nổi ấy. Những con người mang bản chất dậy sóng đã lăn xả vào cuộc đời theo một nhịp độ “bằng - trắc” khá giống nhau. Khởi đầu là những bước chân dè dặt tầm sư học đạo. Tiếp theo là bước đi cẩn trọng tiến lên bục giảng. Nhưng sách vở thánh hiền và bụi phấn bay bay làm sao ngăn được những cơn lũ thời cuộc theo chớp bể mưa nguồn từ Tây, từ Mỹ, từ biển Đông, từ đồng hoang, từ rừng sâu… không ngớt ùa vào rủ rê những chàng mày râu Huế ấy ra đi. Đi… xuống đường, đi lên núi, đi ra đấu trường, đi vào nhà ngục, đi viễn xứ tha hương hay đi là ly biệt với chính mình cũng đều là sự thể hiện trực tiếp hay gián tiếp của sự nổi loạn. Sự nổi loạn ấy có khi thực như những tô bún bò, cơm hến trên đường hay có lúc réo gọi vô hình vô tướng mà Lê Tuyên gọi là “tâm thức lãng mạng của kẻ bị lưu đày”. Hương vị lãng mạn ấy khi đi vào đời thường đã nhen nhóm thành tâm lý yêu nước lãng mạn, chính trị lãng mạn. Nhưng nếu đi vào nghệ thuật sẽ chuyển hóa thành sức bật khai phá nghệ thuật. Phải chăng đây là điều lý giải về hiện tượng những nghệ sĩ Huế đã thành danh hầu hết là những nghệ sĩ “vô sư tự ngộ”. Nghĩa là đi vào những nẻo đường khai phá và sáng tác nghệ thuật tinh chuyên nhất như cầm, kỳ, thi, văn, nhạc, họa… một cách tự nhiên gần như chín muồi và tự phát chứ không qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào cả.

Toni Morrison, nữ văn sĩ Nobel da đen đầu tiên của Mỹ, trong một bài tham luận nói đến tác phẩm Mắt xanh tuyền (Bluest Eye; 1970) của bà, đã mô tả cái tâm thức lãng mạn ấy là một quá trình phản kháng mang tính nghệ thuật: “Phản kháng sự bất công áp bức, phản kháng thói đời chướng tai gai mắt và phản kháng luôn cả sự hèn yếu nhận chịu của chính mình. Vậy nên, người nghệ sĩ có thể là người ‘chung thân bất mãn’ nhưng cũng là kẻ trung thành với chính mình trước sự lay đổ không ngừng của ngoại cảnh và tha nhân.”

Trong hoàn cảnh Việt Nam, những dòng tự sự của Tiêu Dao Bảo Cự trong Mảnh trời xanh trên thung lũng cũng đã bày tỏ điều tương tự: “Từ trẻ đến giờ tôi đều luôn muốn sống như một người trung thực dù phải trả giá. Đó mới là điều quan trọng.” (trang 691)

Vâng, đó mới là điều quan trọng! Bảo Cự vẫn còn lại giữa lòng đất nước, bạn bè và chính anh; trong khi nhiều nhân vật đồng thời còn sống nguyên tại chỗ mà lại… đã ra đi!


Napa Valley, mùa Lá xay Rượu vàng 2008

© 2008 talawas

Tưởng Dung

Theo Talawas

Tưởng Dung











Sao thiên thu không là...

(tưởng nhớ Nguyễn Tất Nhiên)

Khi gọi Minh Thủy để nhắc về buổi hẹn đi ăn trưa vào ngày Chúa nhật hôm sau, tôi nghe giọng Thủy thật nhẹ nhàng ở bên kia: “Dung à, mày đi với tao thăm mộ anh Nhiên trước khi đi ăn một chút được không? Hôm qua là giỗ của anh ấy đó, chắc lâu lắm rồi mày đâu có đi đến đó hả nhỏ?”. Tôi giật mình như vừa được nhắc nhớ đến một người bạn thân, một kỷ niệm quen thuộc, rất gần gũi, rất tự nhiên mà mình đã có và vô tình quên khuấy đi mất. Ừ nhỉ, đời sống bên này với những bận rộn, hối hả từng ngày, đôi khi có ai tình cờ nhắc đến những người bạn nào đó đã có một thời thân thiết, giao thiệp qua lại với nhau thật lâu bỗng dưng “mất tích” không gặp nữa vì hoàn cảnh, công việc hoặc dọn đi xa, tôi vẫn mừng rỡ, háo hức, chờ được nghe thêm tin tức hoặc gặp lại. Huống chi là anh Nhiên, vừa là người anh, vừa là người bạn đời quá cố của đứa bạn thân thiết nhất của tôi từ dạo còn đi học cho đến giờ. Trong phút chốc, hình ảnh cao gầy, lỏng khỏng với hai cánh tay dài quá khổ hay quơ quơ để diễn tả và gương mặt cứ… nhăn nhó, bậm môi, mỗi khi nói chuyện với tôi của anh hiện ra, rõ ràng trong trí nhớ. Anh Nhiên và tôi đã có một thời gian thân thiết và cũng có một thời gian… thù nhau quá sức. Nhớ tới mối quan hệ rất ngộ nghĩnh, đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của chúng tôi trong chuỗi ngày xa xưa ấy, tôi thật không biết phải vui hay buồn. Thời gian quả thật đáng sợ, mới đó mà anh mất đã 15 năm rồi. Lần này đến thăm anh, chắc chắn tôi có rất nhiều điều để nhắc nhớ.

Khi Thủy bắt đầu quẹo xe vào cổng của nghĩa trang Peek Family, cái âm thanh náo động ngoài đường phố bỗng dưng chìm dần, rồi tắt hẳn. Trước mặt tôi là con đường nhỏ vòng theo những vòm cây rợp bóng mát, thinh lặng, nhẹ nhàng… Mặt đất là những thảm cỏ xanh mượt mà được chăm sóc cẩn thận. Ngồi cạnh Thủy đang chầm chậm lái xe đến chỗ an nghỉ của anh Nhiên, tôi thong dong ngắm nhìn một khoảng không gian an bình, thoát tục đang trải rộng quanh mình, chỉ có tiếng gió rì rào trên các tầng cây, tiếng xào xạc của những chiếc lá khô đang uốn mình trên mặt đất khi bánh xe nghiến lên. Không khí yên lành, thanh tịnh dễ khiến lòng người lắng đọng. Những lo buồn, ray rứt của đời sống, của những ngày trước kia đã có bỗng dưng chìm xuống, ngủ yên. Tôi như lịm người đi với cái cảm xúc lạ lùng chợt ùa tới, cái cảm giác mà từ lâu tôi không có được… bình yên và thanh thản. Không thấy bóng người lai vãng, buổi trưa cuối tuần thế mà vắng vẻ quá! Dường như những người nằm đây đã bị đời lãng quên? Lâu lắm rồi từ ngày tiễn anh ra đến phần mộ trong nghĩa trang này, tôi chưa bao giờ có dịp để trở lại viếng thăm, kể ra là cũng quá tệ! Nhưng biết làm sao hơn? Thôi thì nhờ Thủy hôm nay cho tôi cơ hội để được thăm lại người mà tôi đã từng xem như một người anh và có lúc đã xem nhau như “kẻ thù” (như tôi và anh đã từng nghĩ về nhau sau một trận cãi vã kịch liệt).

Tiếng Thủy kéo tôi trở về với thực tại:

“Chịu khó đi bộ một chút nha nhỏ, mộ anh Nhiên ở trong kia, không cho xe vô được.”

Tôi cười:

“Ừ thì có dịp đi excercise một chút, có sao đâu!”

Tôi xuống xe với một tâm trạng nao nức, kích động như sắp sửa đi gặp lại người quen đã lâu rồi… thất lạc. Hai đứa chia nhau cầm bó hoa, nhang và hộp quẹt bắt đầu lần bước tìm bia mộ anh Nhiên. Nghĩa trang ở đây không choáng đầy mắt với những ngôi mộ xây cất đủ hình đủ kiểu, chằng chịt như ở Việt Nam. Các ngôi mộ ở Mỹ đều giống như nhau. Một khoảng đất cùng kích thước, nằm san sát, có hàng lối rõ ràng, tấm bia được đặt nằm phẳng phiu ngay trên mặt đất, vì thế cũng khó mà định hướng mộ của thân nhân mình nếu không biết trước.

Thủy nhắc tôi:

“Coi chừng đạp lên mộ người ta đó nha, có khi mộ cũ quá rồi mày không thấy rõ cái mặt bia đâu.”

“Ừ, tao biết mà.”

Tôi vừa đi vừa nhẩm đọc thử tên tuổi của những bia mộ gần bước chân mình nhất, có nhiều người chết thật trẻ, nằm bên cạnh những ông bà cụ tuổi thật cao. Nắng chói chang trên từng dòng chữ, trên những tấm ảnh đã phai màu với thời gian.

Chúng tôi dừng lại ở dưới một bóng cây với những tàn cao, to rộng, đầy bóng mát. Thủy nói:

“Đây rồi, mộ của anh Nhiên may là được nằm ở chỗ này, có bóng mát lại cũng gần chỗ có nước, thoáng và lý tưởng, chứ mộ của ông Mai Thảo ở đàng kia, trơ trụi, không có cây cối gì cả nắng nóng cả ngày, mày ơi!”

Tôi rảo mắt nhìn quanh, cố nhớ lại hình ảnh của mười mấy năm về trước. Cũng nơi này, gia đình, bạn bè, người thân của anh Nhiên có mặt đông đủ lúc hạ huyệt, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, mà lần đầu tiên tôi mới gặp mặt đã đứng ở đây đọc điếu văn, chia buồn, nhỏ lệ xót thương. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều nhân vật nổi tiếng cùng một lúc như thế. Tôi nhớ là mình đã rất xúc động khi nghe ông Phạm Duy với mái tóc bạc trắng ngậm ngùi, từ tốn nhắc đến những kỷ niệm với anh Nhiên và những bài thơ mà ông đã phổ nhạc. Tôi nhớ ca sĩ Việt Dũng đứng ở góc kia và một số người nữa nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ khi thấy Thủy cứ gục đầu vào vai tôi khóc nức nở. Chắc họ thắc mắc không biết tôi là ai và có quan hệ gì với gia đình người quá cố. Và nơi đây, mẹ anh là người cuối cùng sau khi xác thân anh đã thực sự được đặt yên dưới lòng đất lạnh, đã khóc than, hối tiếc về sự ra đi của đứa con mà đến bây giờ trước sự thương tiếc, quý mến của thân hữu, của mọi người đối với anh, bà mới nhận ra con mình quả là một “thiên tài” đích thực. Nơi đây, chỗ này đã chứng kiến giờ phút cuối cùng “nghĩa tử nghĩa tận” của anh đấy mà. Những cành hoa đã thay nhau rơi xuống, phủ đầy trên nắp áo quan, những giọt lệ đã cạn khô trên mắt người đưa tiễn. Anh đã thực sự đi vào cõi thiên thu. Nơi mà anh đã cảm nghiệm được và nói đến rất nhiều từ những bài thơ đầu tiên. Tôi nhớ sau tang lễ của anh, khi mọi người lần lượt ra về, tôi đã đứng trước mộ anh một hồi lâu, nhớ đến bài thơ “Thiên thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập “Thiên tai”, một trong những bài thơ mà tôi rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía:

“Sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu.

Sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hôn mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau…

……………….

Sao thiên thu không là thiên thu
Nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!”

Quả thật, sau mọi linh đình đưa tiễn, anh đã ở lại một mình trong nghĩa trang này với những khổ đau, nghiệt ngã của cuộc đời đã được chôn vùi dưới lòng huyệt lạnh, đã cùng anh đi vào tận chốn thiên thu!

Tôi lặng lẽ cắm hoa vào cái bình đã có sẵn ở trước mộ, Thủy đi lấy nước ở một cái vòi cách đấy vài mươi bước và trở về đổ đầy vào bình hoa, tôi ngạc nhiên nhìn Thủy tưới phần nước còn lại lên trên mặt tấm bia, nhưng ngay sau đó lòng lại xúc động, bùi ngùi khi thấy Thủy dùng cuộn giấy mang theo, từ tốn lau sạch đi những bụi cát đang phủ lờ mờ trên đó. Bia mộ anh là một phiến đá làm bằng lacquer đen bóng, sau những vệt lau của Thủy đã lại sáng như gương. Tấm ảnh của anh hiện ra thật rõ ràng ở trên góc trái cùng với phần đầu của bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” anh viết từ năm 1972 nằm ngay bên cạnh. Tôi ngồi xuống, đọc từng giòng thơ đã được viết với nét chữ khắc thật đẹp với lòng trân trọng pha lẫn xót xa:

“Ta phải khổ cho đời ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
(Vì thượng đế từ lâu kiêu hãnh
Cầm trong tay sinh tử muôn loài.
Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
Thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)”

Cũng khá thân và lại rất thích thơ anh Nhiên, nên hầu hết các bài thơ của anh tôi đều biết và thuộc lòng (hoặc ít nhất cũng vài đoạn trong mỗi bài). Riêng bài này, khi tình cờ nghe lại, trích trong bài viết “Tìm ở sao trời” của Hoàng Mai Đạt đăng trong tạp chí Văn Học và được đọc một lần trên đài radio Little Saigon hồi tháng 6, tôi đã ngậm ngùi, chợt nhớ ra: anh Nhiên đã mất lâu lắm rồi! Nghe nhắc đến bài thơ đã buồn, giờ trông thấy, đọc lại càng buồn và thấm thía hơn! Anh làm thế nào mà có thể khẳng định rằng cuộc đời mình là “phải khổ”, “phải ê chề” và nhất là “phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định” từ năm mới vừa 20 tuổi?

Thủy vỗ nhẹ vai tôi, đưa mấy nén nhang và dặn dò:

“Mày khấn xong rồi cắm cho anh Nhiên vài cây, còn lại chừa để lát nữa đem cắm ở những ngôi mộ khác nha.”

Từ ngày qua Mỹ, thực sự tôi cũng rất ít, hay nói hẳn ra là không có dịp nào đi vào nghĩa trang thăm mộ người chết như thế này, trừ những lần đưa tiễn, cầu nguyện ở nhà quàn trước khi hạ huyệt, nên có Thủy nhắc nhở cũng đỡ phải lúng túng.

“Khấn gì đây? Liệu anh có còn quanh quẩn đâu đây để nghe tôi nói không?” Tôi với anh từ lúc mới quen biết đến khi anh mất đi, có lúc đã chuyện trò vui vẻ, đã “cãi vã” thật nhiều, có lúc lại không thèm nhìn mặt hoặc nói với nhau lời nào. Hơn nữa, tôi đã không gặp anh ít ra cũng gần ba năm trước khi anh mất, anh giận tôi đã không cho tin tức gì của Thủy, tôi giận anh đã đối xử với đứa bạn thân của tôi và là vợ con anh quá… hờ hững, vô tình! Và như thế chúng tôi cứ như là “ân đoạn nghĩa tuyệt” từ đó. Không ngờ, chỉ một thời gian sau, anh đã tự rời bỏ cuộc đời quá sớm và dễ dàng như những bài thơ anh đã viết vậy!

Tôi cầm mấy nén nhang, mắt đăm đăm nhìn vào di ảnh của anh, thì thầm những lời không chuẩn bị mà vẫn nói thật suông sẻ như là đang có anh trước mặt:

“Anh Nhiên à, chắc rằng ở chốn “miên trường, vĩnh cửu” nào đó, anh đã quên hết mọi thống khổ, lụy phiền của nhân gian, đã được hưởng sự an vui, cực lạc đời đời rồi. Mong anh cũng quên và tha thứ cho những gì anh em mình đã hiểu lầm, giận ghét nhau trong quá khứ. Hãy ngủ yên và thanh thản trong “cõi thơ” trên chốn thiên đàng của anh. Hãy phò trợ cho Thủy và các con anh, giữ gìn, nâng đỡ chúng để chúng khôn lớn, vững chãi, có sức mạnh, niềm tin mà vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, đừng để chúng vấp ngã, trầy sướt và đau đớn nha anh.”

Mắt tôi bỗng nhòa đi với ý tưởng là tôi đã nói được điều mình muốn nói với anh mà trước kia đã không có dịp. Lời xin lỗi rất chân thành. Dù gì tôi, Thủy và anh cũng có cái “duyên” với nhau trong một khoảng đời dù không dài lắm nhưng cũng không thể gọi là ngắn ngủi. Và cứ thế, những hình ảnh xa xưa bỗng quay về trong ký ức thật nhanh như những đoạn phim rời vừa được ráp nối.

Tôi nhớ lần đầu tiên, lúc anh vào lớp tôi để giới thiệu tập thơ “Thiên tai”. Tôi đã ngạc nhiên vì không biết tại sao một nhân vật… tầm thường của trường mình, người vẫn có tiếng là “gàn”, thậm chí còn bị cho là “khùng” như anh mà lại biết… làm thơ và lại còn… dám in thơ đem bán nữa. Vì tò mò, tôi đã lật xem thử vài bài trong tập thơ và không ngờ bị lôi cuốn ngay với “Bài thấm mệt đầu tiên”, “Nên sầu khổ dịu dàng”, “Linh mục”, “Nên thời gian ấy ngùi trông”… tôi đọc say sưa, đọc mãi cho đến bài cuối cùng “Thiên thu”, và như người vừa nhận ra mình đang cầm một “báu vật” trên tay, không thể nào để mất, tôi mua ngay một quyển dù lúc đó giá tiền của tập thơ không phải là nhỏ đối với tuổi học trò lớp mười của tôi. Tôi đem về nhà đọc đi đọc lại mãi những bài thơ của anh, bắt đầu thán phục về “tài làm thơ”, về sự liên tưởng, lý luận để bày tỏ, diễn đạt tâm tình một cách thật đơn sơ, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc qua việc sử dụng từ ngữ mới lạ, độc đáo của anh. Những hình ảnh rất dung dị, bình thường của đời sống qua thơ anh bỗng trở thành đẹp đẽ, ý nghĩa hơn. Tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú với sự so sánh của anh trong “Bài thấm mệt đầu tiên”:

“Tình mới lớn phải không em rất thích?
Cách tập tành nào cũng thật dễ thương
Thuở đầu đời chú bé soi gương
Và mê mải dĩ nhiên làm lạ.

Tình mới lớn phải không em rất lạ?
Cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
Thuở đầu đời chú bé ôm phao
Và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước.

Tình mới lớn phải không em rất mỏng?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ…”

Cũng nhớ, trong tập “Thiên tai” anh viết chỉ có một câu thôi mà đã làm tôi sững sờ và có ấn tượng mạnh mẽ hơn về con người của anh là:

“Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết một quyển truyện dài, vì truyện dài không thể đọc vội vã. Người chắc cũng không đủ kiên nhẫn để yêu tôi vì tôi còn dễ chán hơn truyện dài. Tôi là một kịch bản trường thiên!”

Anh đã tự thu mình lại, khiêm nhường đi, chọn cho mình con đường cam phận, chịu thua thiệt, hay dùng đó để xác định rõ về bản tính, về chủ năng của chính mình, một “thiên tài” không dễ ai hiểu biết và cảm thông?

Từ đó, anh được tôi xem như là một nhà thơ trong danh sách “thần tượng” của thơ với ngôn ngữ mới lạ. Sau, nhờ chị Duyên, nhân vật trong bài thơ “Khúc tình buồn”, được Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Thà như giọt mưa”, tôi lại có “duyên văn nghệ” được anh cho mượn phụ bản “Duyên” trong tập thơ “Thiên tai” để làm bìa tập thơ “Tuyên ngôn 15” cho chính tôi và Ngọc Yến, một cô bạn cùng lớp. Thủy bị tôi rủ đi theo gặp anh mấy lần để lấy và trả tập bản kẽm, thì lại mắc vào một cái duyên khác “duyên nợ ba sinh” với anh sau này. Thật tình, lúc đó anh làm tôi rất cảm động vì thấy “nhà thơ lớn” mà sao lại dễ dãi với “đàn em nhỏ” như tôi mượn gì là được nấy. (Chắc tại nghe tôi khoe là “em nuôi” của chị Duyên?). Về sau, tôi còn… khám phá ra do gia đình có quan hệ dây mơ rễ má thế nào đó, mẹ của anh gọi ba tôi bằng cậu, tức là tôi tới vai “dì” của anh Nhiên lận. Chao ôi, thật là oai ghê!

Nhưng thú thật, anh có một cái tật mà tôi rất… kỵ là mỗi khi lỡ nói gì trái ý là anh chau mày, bậm môi, đôi mắt cúi gầm xuống, hai bàn tay chập vào nhau chống trước trán, lầm lì không nói gì hết cho đến lúc… bỏ đi. Có lúc tức quá, tôi bảo Thủy: “Ông này cứ làm như đang đóng kịch vậy đó mầy ơi!... thấy ghét!”. Thủy rất hiền, nhút nhát, ít nói, nên cô nàng chỉ cười lặng lẽ, không ý kiến. Cũng vì tính tình như vậy nên thư tình, quà cáp gì của anh Nhiên gửi cho Thủy sau này cũng một tay tôi chuyển giúp. Cứ tan trường, hai đứa đi bộ về nhà chỉ cần nhác thấy bóng chiếc Honda của anh Nhiên sắp lạng tới là Thủy đẩy tôi ra phía ngoài để nó đi bên trong, tránh nói chuyện hay nhận thư, quà từ anh. Vừa sợ vừa muốn cho xong, nên tôi cứ nhận đại rồi đưa qua cho Thủy ngay sau khi anh đã phóng xe đi mất. Thủy vừa nhận vừa phản đối nên tôi cũng không biết rõ cô nàng có… chịu chàng hay là không. Nhưng tôi thì thấy vui lắm vì nghĩ rằng mình đang làm chứng nhân cho một mối tình cũng lãng mạn quá đấy chứ. Cũng nhờ vậy mà có lần tôi được “ăn theo” với Thủy, lần đó, anh Nhiên rà xe cạnh tôi dúi nhanh một cái bọc và nói trước khi phóng xe đi: “Thuốc… bổ óc đó, một cho Dung, một cho Thủy, ráng uống để mà thức học bài thi”. Tôi đưa cho Thủy bọc thuốc, cảm động một chút, vui vui một chút, coi vậy mà anh chàng cũng… biết điệu quá đó chứ! Lúc ấy, anh Nhiên đã bắt đầu thân thiết với tôi, thỉnh thoảng cứ chạy xe đến nhà tôi đưa thư, kể lể mọi chuyện… Có một hôm, đang ngồi trong nhà tự dưng thấy anh chạy xe đạp xồng xộc tới, vừa dựng xe, vừa thở hào hồn kể cho tôi nghe chuyện “gây gổ” giữa anh với anh T., em của chị Duyên, mới vừa xảy ra ở quán cà phê gần nhà tôi. Câu chuyện bắt đầu từ bài viết “Hột mè” của anh đăng trên báo Văn thì phải? Anh nói: “Thằng T. nói anh viết bài này “chửi” chị nó độc quá, nên nó tức đòi đánh anh…”. Tôi có đọc qua bài đó nên cười an ủi: “Anh viết cũng nặng tay lắm chứ bộ. Anh T. tức là đúng rồi. Thôi ai biểu viết mà chọc giận người ta làm chi. Chửi người khác mà anh vui sao?” Trước khi ra về anh còn nói như thật: “Lần sau, anh không có nhịn đâu.” Tôi cười vì biết tính anh nói thì… dữ nhưng chẳng làm gì hại ai cả. Chắc cũng vì chuyện này mà thời gian sau anh đã viết “Bài tạ lỗi cùng người” có những câu thật cảm động:

“Năm năm trời… ta làm tên quái đản
Cầu danh trên nước mắt người tình
Năm năm trời có nhục có vinh
Có chua, chát, ngọt, bùi, cay, đắng…
Có hai mái đầu chia nhau thù oán
Có thằng ta trút nạn xuống vai em!
Năm năm trời… có một tên Duyên
Ta ca tụng rồi chính ta bôi lọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ
Nên lỗi lầm đã đục màu sông
Nếu em còn thương mến tuổi mười lăm
Xin nuốt hận mỉm môi cười xí xóa
Hồn ta đẹp nhưng đời ta thảm quá
Nên tị hiềm nhen nhúm giữa ngây thơ
Nếu em còn chút đỉnh mộng mơ
Xin rộng lượng thứ dung người lỡ dại.”

Tôi dạo ấy cũng… hơi lo dùm cho Thủy, Thủy học rất giỏi, giỏi nhất trường, xinh xắn, tài năng toàn diện, ai cũng quí mến, còn cái ông nhà thơ này sao ngày nào cũng đón đường, tỏ tình, tỏ ý với Thủy mà làm thơ thì cứ thấy ca tụng hết cô này đến cô khác. Vậy thì thương thiệt hay giả đây?

Cho nên, đến khi Thủy năn nỉ nhờ tôi mang trả lại hết quà cáp, thư từ cho anh Nhiên, tôi đã… ngây thơ thương bạn, nhận lời mà có biết đâu tự mình đi đón nhận phong ba bão tố. Sau khi biết tôi mang mọi thứ đi trả giùm cho Thủy, anh Nhiên đã mắng tôi và đổ thừa tại tôi… xúi Thủy tuyệt tình với anh. Tôi tức điên lên và cãi với anh một trận tơi bời hoa lá. Anh giận tôi đến độ còn dọa sẽ viết một bài… chửi tôi trên báo để cho tôi biết tay anh. (May là chắc anh nghĩ lại, thấy “tội” của tôi còn nhẹ hoặc biết là không có tội gì hết, nên không có bài nào nêu đích danh tôi để… trả thù, trừ một câu trong bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” đã ví tôi là “quỷ sứ” mà sau này qua Thủy tôi mới biết. Đó là câu: “Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân. Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ.” Chứ nếu không chắc tôi cũng đã được anh đưa vào… văn học sử bằng một ngõ… tối tăm rồi!). Từ đó, tôi với anh Nhiên bắt đầu một mối thù… không tên, và cứ mỗi khi Thủy nhắc tới anh Nhiên là tôi tha hồ mà… đay nghiến. Lúc này, tôi đã thực sự giận ghét anh Nhiên và muốn cho Thủy đừng thèm “mềm lòng” với cái anh chàng nghệ sĩ tài hoa mà gàn dở này nữa.

Nhưng khi đọc bài thơ“Thục nữ”, là bài đầu tiên anh Nhiên viết cho Thủy, với hình ảnh Thủy trong thơ và Thủy ngoài đời là một, rất thật, rất dễ nhận ra với tóc bính, nón lá, hài nhung, mảnh mai, nhẹ nhàng, vô cùng thục nữ đã làm tôi xúc động:

“Chiều em đi hai hàng bính tóc
Gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà
Còn bao nhiêu dấu hài khuê các
Sao đành gieo xuống phố đời ta?

Chiều em đi nón lá che nghiêng
Sao đành che mất nụ cười duyên?
Mây vẫn chưa về gom bớt nắng
Trần ai đông lắm kẻ si tình.

Chiều em đi trong nắng trời tây
Bóng đổ lênh đênh – bóng đổ gầy
Bóng đổ gầy như ta ốm yếu
Đeo đẳng hoài theo tình không may

Chiều em đi bước ngại bước ngùng
Như sợ làm đau ngọn cỏ nhung
Như sợ bay lên từng đóa bụi
Sao khách tài hoa nát cả lòng?

Chiều em vui quá thuở vàng son
Ta bỗng lang thang khắp ngả đường
Ta đi cho chết thời oanh liệt
Cho thấu một trời đau đớn riêng!”

Bài “Giữa trần gian tuyệt vọng” là bài thứ hai anh đã viết gửi cho Thủy với những lời bày tỏ chân tình, nhưng đã khiến cho Thủy giận hờn, ấm ức nhờ tôi mang trả lại thư từ, quà tặng của anh và đã là nguyên nhân khiến tôi phải… rước họa vào thân. Đó là những câu:

“Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta vẫn thèm hôn lên mắt tiểu thơ buồn
Ta vẫn thèm ăn năn những lúc đón đường
(Em khó chịu… mà thư nào em cũng nhận)”

Sau khi biết vì mình mà tôi và anh Nhiên đã không thèm nhìn mặt nhau nữa, thì Thủy ít nhắc nhở tới anh hơn và lặng thinh mỗi lần nghe tôi kể tội anh đã mắng nhiếc, sỉ vả tôi như thế nào. Anh Nhiên thì phải tự động tìm cách để… nối nhịp cầu tri âm với Thủy một mình vì không còn cái nhịp cầu mang tên… Dung nữa.

Mãi cho đến một buổi chiều kia, tan học về, Thủy báo cho tôi biết: “Ông Hải (tôi và Thủy vẫn quen gọi anh bằng tên thật là Hải, dù anh đã nổi tiếng và mọi người luôn gọi anh bằng tên Nguyễn Tất Nhiên) nói chiều thứ Sáu hàng tuần có chương trình giới thiệu nhạc mới ở radio, thứ Sáu này nhớ đón nghe vì sẽ có bài thơ “Hai năm tình lận đận” ổng làm cho tao được Phạm Duy phổ nhạc, hát lần đầu.” Tôi nhìn Thủy ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Ông này coi vậy mà cũng… khôn, biết cách giải mã “độc đáo” thiệt, như thế này thì Thủy có… chạy đàng trời.” Tôi tuy còn ấm ức vì… mối hận lòng, “oan Thị Kính” vẫn còn đầy ứ mỗi khi nhớ tới, nhưng cũng thấy vui và hãnh diện lây với bạn. “À há, như vậy mi đã bắt đầu được đi vào văn học sử rồi đó nha”. Cũng nhờ vậy, chiều thứ Sáu đó, tôi đã được thưởng thức trọn vẹn bài hát “Hai năm tình lận đận” với âm điệu nhẹ nhàng, buồn rầu đến tội nghiệp qua tiếng hát dễ thương, nồng nàn của Duy Quang:

“Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau.

Em không còn thắt bím
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư

Hai năm tình lận đận
Hai đứa đành xa nhau

Em vẫn còn mắt liếc
Anh vẫn còn nôn nao
Ngoài đường em bước chậm
Trong quán chiều anh ngóng cổ cao.

Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua.
…………………………
Hai năm tình lận đận
Em đã già hơn xưa!”

Tôi đã bật cười khi nghe Thủy kể lại, hai câu cuối của bài thơ này đã làm… động lòng Lâm Diễm, một đứa bạn cùng lớp với chúng tôi, khi nó đọc thấy bài thơ đăng trên báo trước khi được phổ nhạc. Diễm vào lớp báo ngay với Thủy: “Thủy ơi, ông Hải làm thơ chê mày… già”.

Sau khi nghe bài hát này tôi thầm nghĩ, Thủy đã không thể thoát khỏi lưới tình nữa rồi. Thủy vốn yêu thích thơ văn, cũng như tôi và số đông bạn bè cùng lứa lúc ấy, rất hâm mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Thủy đã được làm “nàng thơ” của thi sĩ, nay lại được dòng nhạc của Phạm Duy đưa hình ảnh “thắt bím” của mình chắp cánh bay xa. Còn gì hơn! Nhưng chúng tôi không có thời giờ để hỏi han những chuyện vớ vẩn nào khác nữa. Tất cả thời gian còn lại là học thi, thi Tú tài II. Tôi quên bẵng đi chuyện tình của anh Nhiên và Thủy để lo học.

Rồi đến lúc lên Sài Gòn vào đại học, tôi và Thủy lại cùng ở trọ với nhau, chắc Thủy nghĩ là tôi còn giận anh Nhiên lắm, vì mỗi lần Thủy nhắc tới anh là cứ nghe tôi châm chọc: “Ông ấy là ai? Tưởng mình là nhà thơ lớn… ngon lắm hở?”. Không nhớ tôi có nói gì nặng hơn nữa không mà Thủy càng ngần ngại, dè dặt tránh nói về anh trước mặt tôi. Tôi học bên Văn khoa, Thủy học ở Đại học Vạn Hạnh, bên kia cầu Trương Minh Giảng. Bởi thế, bài “Chở em đi học trường đêm” có đoạn:

“Chở em đi học mưa, chiều
Tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa
Mưa thánh thót, mưa ngân nga
(Hình như có bão băng qua thị thành)
……………………………………
Đèo nhau qua đoạn đời này
Cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn...”

Tôi cứ tưởng là viết cho Thủy, nhưng sau này khi hỏi lại, Thủy nói: “Ổng viết cho… con nhỏ khác mày ơi!”. Tôi giật mình và cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng các ông văn thi sĩ chắc không chỉ có bốn ngăn tim, nên mới có thể chứa đựng được một lúc nhiều hình bóng đến như vậy! Bài thơ “Khởi tự mê cuồng” anh viết năm 74, mới là bài anh viết cho Thủy, nên vẫn thấy bóng dáng Thủy đâu đó, mặc dù lúc này Thủy và anh đã không còn liên lạc với nhau.

“Trời mưa, không lớn lắm
nhưng đủ ướt đôi đầu!
Tình yêu, không đáng lắm
nhưng đủ làm… tiêu nhau!

Đường người, vui có chăng
ta trùng điệp u buồn
nhớ ai mà tóc rụng
ngóng ai muốn đục tròng.
…………………………
Đường người, đau có chăng
em tính còn ham chơi
lưng ngoan dòng tóc bím
môi trinh non thích cười
Chiều chiều hay giỡn nắng
tình trôi kệ tình trôi…”

Sau 30 tháng 4 năm 75, chúng tôi chia tay nhau, Thủy tiếp tục học và về làm việc ở Biên Hòa. Tôi thì lưu lạc đến Long Thành làm nghề “gõ đầu trẻ”. Công việc bận rộn nên chúng tôi cũng liên lạc ít hơn. Thủy và tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những ngày cuối tuần khi tôi trở về nhà.

Tôi không biết rõ mối quan hệ của anh và Thủy bắt đầu lại từ lúc nào, mãi cho đến khoảng giữa năm 78, một hôm, Thủy đột ngột đến tìm tôi vào buổi trưa, chúng tôi kéo nhau lên lầu nói chuyện. Thủy ngần ngại, rào đón một lúc lâu mới báo tin là sắp đám hỏi với anh Nhiên. Thấy tôi lặng thinh, Thủy hỏi: “Mày bất ngờ không?... thất vọng không?”. Tôi biết Thủy vẫn còn nhớ “mối thù” của tôi với anh Nhiên lúc trước, nên cười và lắc đầu: “Chuyện cũ, chuyện nít nhỏ, tao quên rồi. Đừng nhắc tới nữa. Vậy là “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi. Mày có cần gì tới tao không?” Thủy thở phào nhẹ nhõm: “Có chứ, mời mày tới dự đám hỏi, nhớ tới sớm sớm để phụ tao nha nhỏ.” Không hiểu sao lúc đó, tôi vừa mừng lại vừa lo cho Thủy, Thủy dịu dàng, yếu đuối và sống “kín cổng cao tường” trong mái ấm của đại gia đình từ bé, còn anh Nhiên, đời sống luôn quay quắt với dư luận khắc nghiệt và lang bạt kỳ hồ, như trong thơ anh vẫn thường khẳng định: “Em có một đời rong xanh mơ đá. Tôi có ngàn năm say khước hận thù” (Bài thấm mệt đầu tiên) hay “Chim trong tổ biết chi đời giông bão. Em con cưng nào biết tuổi lưu đày”“Em gia giáo phải lòng anh lang bạt” (Uyên ương). Liệu Thủy sẽ được bình yên, hạnh phúc hay sẽ lao đao với sóng gió cuộc đời?

Thời gian này, bài “Nụ hôn đầu” với những câu:

“Gian truân lắm mới hôn người
Chiếc hôn tình lớn đem đời theo nhau.
………………………………
Hôn em chấn động đầu đời.
Chiếc hôn tình lớn kiếp người đôi giây.”

Và “Cuối tháng Tám”, không hiểu đã cảm nhận được điều gì mà cả hai bài thơ của anh viết cho Thủy đầy những lời ăn năn, thống hối:

“Khổ đau oằn nặng sinh thời
yêu ai tôi chỉ có lời thở than,
có môi hôn trộm vội vàng
khiến em hoảng hốt trong cơn tình đầu
nụ cười giữ được bao lâu
nhân sinh là một dòng sầu miên man
sông dài rồi cũng chia phân
tình bao nhiêu lớn cũng tàn phai thôi
Tôi đam mê siết thân người
hay đâu tảng đá đeo đời trăm năm.
Em gầy guộc, em mong manh
Em chưa đủ sức long đong cùng chàng
Em ngây thơ đến rỡ ràng
Em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
Em tội nghiệp, em tủi thân
Em chưa tự chủ kíp nhăn lệ tràn
Lôi người té sấp gian nan
Lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi.”

Đến ngày đám hỏi của Thủy và anh Nhiên, tôi mới biết chỉ có tôi là đứa bạn duy nhất được Thủy mời trong đám đông của gia đình hai họ.

Lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm không nhìn mặt nhau ở đám hỏi, được coi như là một nhịp cầu nối lại mối quan hệ giữa tôi và anh Nhiên. Anh tỏ vẻ quí mến tôi hơn và thỉnh thoảng hay ghé nhà tôi để hỏi thăm hoặc nhắn tin cho Thủy

Có một chuyện khiến tôi cảm động và nhớ mãi là một buổi trưa vừa từ trường về nhà trọ sau mấy giờ dạy, thay chiếc áo dài xong thì nghe tiếng gõ cửa và sau đó là giọng của Thảo, chị bạn cùng nhà gọi: “Dung ơi, có ai kiếm kìa.” Nhà chúng tôi ở là một căn biệt thự khá lớn của một chị bạn dạy cùng trường, mấy ngày trước 30 tháng 4, chợ Long Thành bị pháo kích, sập gần hết, nhà chị cạnh đó nên cũng bị một quả ngay vào giữa, căn nhà như bị cắt ra làm đôi. Phần phía trước chỉ còn cái mặt tiền và khung cửa sắt là nguyên vẹn, hai phòng phía sau, sâu vào trong, nơi không bị hề hấn gì, là nơi mà nhóm giáo viên chúng tôi chia nhau ở, được nối bằng một khoảnh đất nhỏ mà trước đó dùng để trồng hoa kiểng và một cánh cửa lớn bằng gỗ. Tôi vội chạy lên và ngạc nhiên khi thấy anh Nhiên đứng sừng sững ngay khung cửa với chiếc xe đạp bên cạnh. Anh nhìn tôi đang ngó anh trân trối, nhe răng cười hỏi: “Sao? không mời vô à?” Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của anh. “Ủa, anh đi đâu đây? Sao biết Dung ở chỗ này?” Anh dựng xe sang bên, một tay giở nón, một tay lau mồ hôi trán và nói: “Nghe Thủy nói Dung dạy học ở trường Long Thành, nhà anh có rẫy cũng gần đây, sẵn đi ngang ghé vô trường hỏi, họ nói Dung mới đi về, rồi chỉ nhà cho anh đó chứ.” Tôi mời anh vô trong uống nước và giới thiệu với chị Thảo: “Anh này là thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đó!”. Chị Thảo tròn xoe mắt nhìn anh: “Vậy hả? Trời ơi, nghe tiếng quá chừng mà bây giờ mới gặp đó nha.” Anh Nhiên chỉ cười và không nói năng gì. Hỏi thăm nhau được một chút, anh từ giã ra về còn hỏi tôi: “Dung có cần nhắn gì về nhà không? Anh ghé qua nhắn cho”. Bỗng dưng tôi nhớ tới chục ký gạo vừa đươc lãnh sáng nay ở trường theo tiêu chuẩn công nhân viên nhà nước, và tôi đã làm một việc vô cùng tệ hại mà sau này lúc kể cho Thủy nghe hoặc nhớ tới, tôi vẫn còn áy náy và rất xấu hổ là : “Anh Hải chở dùm bao gạo này ghé qua nhà đưa cho má Dung được hông?”. Tôi thấy đôi mày anh cau lại, trán nhăn nhăn, môi mím chặt, nhưng cũng gật đầu: “Ừ, thì để anh chở cho”. Tôi giúp anh khuân bọc gạo lên để phía sau “boọc ba ga”, cột dây cẩn thận, cám ơn anh, chào tạm biệt và… tỉnh bơ, mãi cho đến khi đưa anh ra tới cửa ngoài thấy anh bắt đầu gò lưng trên chiếc xe đạp tôi mới giật mình. Tiếng chị Thảo phía sau tôi vang lên: “Trời ơi, mày ác quá trời đi người ta tới thăm mà còn bắt chở bao gạo về dùm nữa, nặng lắm đó, một chút lên tới dốc 47 làm sao ổng lên nổi!” (Dốc 47 là cái dốc rất cao ở gần ngã ba Thái Lan giữa đường đi Biên Hòa và Long Thành). Tôi mới bắt đầu hối hận và thấy mình…vô duyên quá đỗi!

Cứ tưởng mọi việc sẽ được tiến hành êm đẹp như đã định, Thủy và anh Nhiên sẽ làm đám cưới cuối năm đó. Nhưng không ngờ, bao ngang trái cuộc đời không hẹn mà cứ đến đe dọa cho mối tình của hai người, lý do từ việc có nhiều dư luận về anh Nhiên đã đến tai gia đình Thủy. Lúc này, tôi đã đổi về Biên Hòa để đi học lại, nên Thủy thường gặp tôi sau những giờ làm việc, tâm sự, thở than về những ngăn cấm của gia đình và đôi khi nhờ tôi làm “bình phong” để Thủy và anh Nhiên hẹn hò nhau.

Bài “1978 ở Việt Nam” chắc anh đã viết trong lúc tâm trạng u uất, chán chường về sự đổi thay của xã hội lẫn hoàn cảnh riêng tư của chính mình:

“Phu thê nếu phải nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em

Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương.
…………………………………

Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng
Tôi, quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương khóc tình!

Rồi đến bài thơ “Uyên ương” với những câu thật não lòng:

“Có những chiều ta muốn hôn em, rồi khóc
Mùa bình an nào chờ đợi uyên ương?
Nhớ hôm xưa em mảnh khảnh tan trường
Hương trinh khiết ngây ngây chiều nắng lụa.
………………………………..
Nhớ hôm xưa em bình minh thiếu nữ
Môi vô tư chưa bợn nhuốm hơi người
Tay măng tơ chưa vọc nước dòng đời
Tóc bính thảnh thơi chưa phiền khói thuốc

Ta lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước
Để chiều về nhẹ thấm thía gian nan!
Nhớ hôm xưa em mơ mộng nhẹ nhàng
Hay hát khẽ đôi bài tình man mác.

Chim trong tổ biết chi đời giông bão
Em con cưng nào biết buổi lưu đày…”

Nhưng rốt cuộc, Thủy đã quyết định cùng với gia đình anh Nhiên rời khỏi Việt Nam cuối năm 78, sau những tháng ngày dài nổi trôi cùng vận nước và cả vận mệnh của chính mình. Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên có kèm theo hai tấm hình của Thủy và anh Nhiên chụp ở vườn Luxembourg trong mùa thu, đầy lá vàng, lãng mạn, tuyệt đẹp, mới biết là hai người đã định cư ở Pháp. Nhờ địa chỉ đó nên tháng tư năm 81, sang đến đảo Ga Lăng, Indo, tôi đã liên lạc được với Thủy. Không ngờ, Thủy vẫn nhớ và gửi quyển “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980, đã được ấn hành lại ở Pháp, làm quà sinh nhật cho tôi trên đảo. Tập thơ này quả là một món quà vô cùng quí báu lúc bấy giờ đối với bọn chúng tôi gồm một đám thanh niên cùng mê thơ Nguyễn Tất Nhiên, cả mấy tháng trời, đêm nào cũng mang ra vừa đọc vừa bàn luận, thật sôi nổi, hào hứng.

Đến tháng mười, tôi được các em bảo lãnh sang Mỹ, về ở Missouri. Anh Nhiên và Thủy cũng đã dọn về Cali từ tháng tư.

Chúng tôi thư từ, điện thoại thăm hỏi nhau nhưng vẫn chưa gặp mặt, Thủy và tôi cùng bận rộn với đời sống mới mà lại ở xa nhau, nên ngay cả đám cưới tôi tổ chức ở Utah, Thủy cũng không có dịp sang dự. Cho mãi đến hôm tôi sinh cô con gái đầu lòng khoảng một tuần, thì Thủy gọi phone báo tin là sẽ đi xe bus Greyhound sang thăm tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại bạn sau 6 năm xa cách. Thủy không thay đổi tí nào, vẫn dáng dấp học trò, vẫn gầy gầy, nhỏ nhắn, gương mặt, nụ cười vẫn hệt như thời còn đi học, mặc dù bây giờ đã có thêm hai chú nhóc, Tí Anh đã ba tuổi và Tí Em sắp lên hai, lúc nào cũng quấn bên chân mẹ. Trong dịp này, Thủy đã kể cho tôi nghe hết về cuộc sống từ ngày rời Việt Nam, với những ngày đầu vất vả nhưng hạnh phúc ở Pháp, đến những khi sóng gió vì đời sống nghệ sĩ lang bạt, bất đắc chí của anh Nhiên ở Mỹ, cả đến những cay đắng mà Thủy phải chịu đựng để chu toàn cái hình ảnh của “một người vợ, một người đàn bà thuần túy Á Đông, chỉ biết phục tùng chồng và tuyệt đối không nên để ý hoặc thắc mắc gì về những quan hệ công việc bên ngoài của chồng.” mà anh Nhiên vẫn luôn nhắc nhở Thủy mỗi khi có chuyện bất đồng. Tôi ngạc nhiên và không ngờ đứa bạn với bề ngoài yếu đuối như Thủy mà có thể chịu đựng được ngần ấy thứ đau khổ, trắc trở trong cuộc đời làm vợ của nhà thơ. Thủy nói lần này, sau khi trở về, hai người sẽ quyết định chia tay. Thoạt tiên, tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó, khi nhìn thấy hai đứa bé đang hồn nhiên, quấn quýt bên Thủy, tôi giận anh Nhiên quá sức, tại sao có mái gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc thế này mà anh không chịu gìn giữ? Tôi muốn an ủi Thủy, nhưng an ủi thế nào khi tôi cũng không biết phải xử trí làm sao trong hoàn cảnh ấy. Thủy định là sẽ ở chơi với tôi đến hai tuần nhưng chỉ một tuần Thủy đã đổi vé về lại Cali, sau những cú phone dồn dập của anh Nhiên. Mấy hôm sau, Thủy gọi để báo tin là sóng gió đã tạm dừng, dù không biết là chàng sẽ giữ lời hứa đến bao lâu. Tôi mừng cho Thủy và thầm cầu nguyện cho cái tổ ấm của Thủy sẽ bình yên, sáng sủa hơn sau cơn bão tố vừa qua.

Năm 86, gia đình tôi dọn về Cali, căn nhà nhỏ của chúng tôi ở Gardena, thỉnh thoảng đón tiếp Thủy và hai cậu con trai đến chơi, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh Nhiên đi cùng. Thủy tâm sự: “Tao chỉ là một người đàn bà bình thường, mơ có một mái ấm gia đình rất bình thường như những người đàn bà khác, nhưng với tao sao nó khó khăn, xa vời quá mày ơi!”. Nghe Thủy nói, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của cái thuyết “hồng nhan bạc phận”, của “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, càng thấy xót xa và thương bạn hơn. Có lúc, tôi đã phải nói với Thủy: “Tao thì chỉ biết “yêu thơ” thôi chứ không có “can đảm” để “yêu nhà thơ” như mày, sao mà khổ quá đi!”

Từ lúc sang Mỹ dù đã xuất bản được tập thơ “Chuông mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989) và cả việc sáng tác nhạc để ra đời băng nhạc “Tình khúc Nguyễn Tất Nhiên” nữa, nhưng anh vẫn là một người “bất đắc chí”, cay đắng với cuộc đời, hờ hững với trách nhiệm gia đình và đó có phải là nguyên nhân khiến anh trở thành một con người khác, một hình ảnh bất toàn hơn trong đời sống gia đình chăng?

Có lẽ vì biết quá nhiều về những bất hạnh từ đầu của hai chữ “nợ duyên” giữa anh Nhiên và Thủy, nên tôi đã đứng về phía bạn khi Thủy dứt khoát đoạn tuyệt với những khổ đau, oan nghiệt của quá khứ, hiện tại và có thể sẽ mãi còn tiếp diễn ở tương lai để chọn một cuộc sống bình an hơn cho Thủy và nhất là hai đứa con, nên tôi đã lặng thinh khi anh Nhiên gọi tôi để hỏi về tung tích của Thủy. Và đó là lần thứ hai, tôi lại bị anh mắng nhiếc thậm tệ, bằng những lời nhắn nặng nề trên máy answering. Lúc đó, tôi nghĩ, cứ để cho anh nghiền ngẫm, rồi tỉnh thức, nhận ra và biết quí báu những gì mình đã có, ân cần với đời sống và trách nhiệm hơn để có thể định hướng lại tương lai của mình. Nhưng không ngờ, anh đã quá yếu đuối và dễ tuyệt vọng đến độ phải chọn sự kết thúc bi thảm đến vậy! Lúc nghe tin anh mất, là lúc tôi đang trong giờ lunch ở một hãng điện tử. Sửng sốt, kinh ngạc… tôi nuốt không trôi miếng cơm còn đang nhai dở trong miệng. Tôi muốn về nhà ngay để gọi cho Thủy…

Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng, mới đó mà đã mười mấy năm. Cuộc sống vẫn nối tiếp với những định mệnh đã được an bày. Các con anh nay đã khôn lớn, trưởng thành. Thủy đã tìm được bờ bến bình yên và đang có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, điều mà trước kia tưởng chừng sẽ không bao giờ có được.

Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi. Có những điều khi còn sống chúng ta chưa có dịp phân trần, tỏ bày cho hết thì đến lúc lìa đời, cũng xin được có cơ hội để hòa giải, thứ tha. Chỉ tiếc một điều là những câu thơ anh viết lúc còn trẻ, khi đọc lên cứ tưởng sẽ là “lá bùa hộ mạng” cho anh, đã không nâng đỡ, vực dậy anh trước khi anh quyết định đi về một đời sống khác:

“Nếu vì em mà thiên tài chán sống
thì cũng vì em ta ngại bước xa đời”.

(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ thứ 15 của anh, tháng Tám, 2008)

Nguồn: Hợp Lưu, California, Hoa Kỳ, số 101, tháng 7&8 /2008. Đăng lại trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Tưởng Dung sinh năm 1955 tại Biên Hòa. Sang Mỹ năm 1981. Hiện sống và làm việc tại Los Angeles, California. Cộng tác với các tạp chí Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, nhohue.org và ngo-quyen.org.