Thứ Ba, 25 tháng 3, 2008

Trần Thiện Khanh

Nguồn: © 2008 talawas

25.3.2008

Trần Thiện Khanh

Nghĩ về đổi mới thơ từ trường hợp của Hàn Mặc Tử

  1. Hàn Mặc Tử: một đỉnh núi lạ

Từ địa hạt thơ Đường bước sang lãnh địa thơ lãng mạn rồi thơ tượng trưng, Hàn Mặc Tử đã có đóng góp không nhỏ cho công cuộc cách tân thi ca Việt Nam.

Thơ của Hàn Mặc Tử không chỉ mới ở thi tứ và ngôn từ, mà còn mới ở cách thức giải phóng yếu tố cá nhân trong những giấc mơ vô thức, ở sự thể hiện "vũ trụ tinh thần" bí ẩn hoàn toàn siêu nghiệm, siêu linh. Hàn Mặc Tử cùng với nhiều nhà thơ khác trong Trường thơ Loạn và nhóm Xuân Thu nhã tập đã đổi mới phương thức trữ tình bằng cách kéo gần thơ tới âm nhạc. Thi sĩ "dùng chiếc sáo của mình, chơi những điệu mình thích" (Mallarmé), biến nhạc thơ thành một thứ nhạc chiêu hồn, gợi lên những sắc thái tinh tế nhất của tâm trạng và những cảm niệm mơ hồ, kì lạ. Vườn thơ của Hàn Mặc Tử "rộng rinh không bờ bến".

Nhưng vườn thơ của Hàn Mặc Tử có phải được dựng lên một cách dễ dàng? Hoài Thanh kể: "Đương thời người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm, họ bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm." Còn Xuân Diệu, sau khi tuyên bố vẻ chắc chắn: "Hàn Mặc Tử không phải hạng "chân thi sĩ"", đã thẳng thắn đề nghị: "Người thơ ấy tốt hơn cứ tỉnh táo mà "yên lặng sống"." Chưa ai công bằng khi đứng trước tài thơ, nguồn thơ lạ lùng của Hàn Mặc Tử. Chưa ai công nhận những câu thơ siêu linh-mới cho đến tận hôm nay.

Chỉ có Chế Lan Viên sớm nhìn ra tài thơ, con đường thơ của thi sĩ họ Hàn. Ông nói: "Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mặc Tử." Lời tiên đoán ấy, ngoài Chế Lan Viên, không ai viết nổi. Phải can đảm lắm, Chế Lan Viên mới viết lời giới thiệu xác quyết mạnh mẽ nhường đó.

Thì ra công cuộc đổi mới thơ nào cũng đầy thử thách, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dám dấn thân. Có niềm say mê, khát khao thôi, chưa đủ, mặc dù điều đó rất đáng quí. Tài năng ư? Dĩ nhiên cần, nhưng chưa xong. Đổi mới thơ sẽ trở thành câu chuyện phù phiếm, viễn tưởng nếu người nghệ sĩ thiếu đi phông văn hoá cần thiết, thiếu đi bản lĩnh giải phóng tư tưởng của mình và tư tưởng của con người nói chung ra khỏi những "điều cấm kị" vốn đang trở thành thiết chế khắc nghiệt nhất đối với kẻ cầm bút.

Tiền đề của đổi mới thơ, phải chăng bắt nguồn từ sự khám phá ra một thế giới văn hoá trong thế giới nhân sinh, thế giới của sự tự do dân chủ. Câu chuyện cách tân văn chương đến nay và mai sau vẫn luôn xoay quanh vấn đề tư tưởng, quan điểm của nghệ sĩ đối với thực tại, đối với sự sống.


Chẳng bao giờ có nhà nghệ sĩ lớn, nếu anh ta không được sáng tạo tự do - trong ý nghĩa nghiêm ngặt và đời thường nhất của nó. Thử hình dung thế này: một người "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" thì sản phẩm của anh ta cả khi còn trong trứng nước lẫn khi chào đời - khao khát được sống với đời sống riêng của nó, sẽ không thể vượt quá giới hạn thực tế cho phép. Chừng nào tư tưởng, ngôn ngữ còn bị gông xiềng trói buộc thì chừng đó còn có nhiều bi kịch. Một số độc giả thích "sự nổi loạn" trên tất cả các cấp độ của nghệ thuật ngôn từ. Nhưng người thơ ít tạo ra "sự nổi loạn" đáp ứng mong mỏi của họ. Không hiểu sao tôi thích Trường thơ Loạn, thích "sự điên" của người làm thơ. Phải chăng vì trong sự điên ấy - theo cách nói của Hàn Mặc Tử - những bí mật của con người được phơi bày ra đầy đủ nhất, chân thành nhất. Phải chăng nhờ "sự điên cố ý" ấy, tôi và các bạn đọc khác được biết đến một thế giới khác - thế giới của vô thức, siêu linh, thế giới của linh hồn, ý niệm. Chứ không hẳn tôi tò mò, vì điều đó sẽ chóng qua đi. Cũng có thể hiện tượng "điên loạn cố ý" của người cầm bút đã tạo ra cảm giác lạ, nhận thức lạ trong khi những người giáo điều, bảo thủ không thể đem lại điều đó. Đến đây thì không hẳn tôi ủng hộ "người phá phách ngôn từ", vì tôi biết sự vô lối thường yểu mệnh. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ đôi khi phải "đồng bóng" một chút, ngôn từ phải ma mị một chút.

Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh cho rằng nhiều lúc thi sĩ lạc vào thế giới đồng bóng. Hàn Mặc Tử lạc tới một cõi thơ, một miền thơ ít được người đời biết đến. Hàn Mặc Tử thường nói tới khu vực bí ẩn chứa mọi sự tương giao. Ở đó không còn chỗ đứng cho nếp tư duy cũ kĩ, sáo mòn. Thi sĩ thành thực bày tỏ: ""Thế giới kì dị" của tôi được "tạo ra khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút"." Chính ở "thế giới đồng bóng" ấy, sự tự do của người thơ mới được thể hiện trọn vẹn, đầy đủ nhất. Thi sĩ xuất hiện giữa làng thơ, sắm vai một người khách lạ, trụ vững trong làng Thơ mới với tầm vóc một đỉnh núi lạ.

Tôi nghĩ, ý thức đổi mới thơ biểu hiện rõ rệt ở khát khao phá bỏ những thành trì kiên cố đang ngự trị trong đời sống văn hoá tinh thần của tộc loại. Từ đó mở ra những con đường mới mà ý thức phong bế, lệ thuộc không làm được. Con đường thơ ấy có thể dài rộng tuỳ theo điều kiện văn hoá chính trị cho phép, có thể ngắn ngủi đến không ngờ. Biết bao nhà thơ phải lao tâm khổ tứ cả khi sống, lẫn khi sáng tạo. Thậm chí phải trả giá đắt, vì muốn có được một chuyến đi xa trọn vẹn cho riêng mình. Theo đuổi một lối thơ đến kiệt cùng, đâu có dễ gì. Tạo ra một lối thơ mới, càng khó khăn hơn. Huống chi khi chập chững bước vào nghề, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng một lối thơ nào đó rồi, mà muốn có thành tựu gì đáng kể, nếu không phải người có tầm vóc tư tưởng lớn lao thì đâu có thể vượt lên nổi. Những người "theo đóm ăn tàn" chắc chắn sẽ bị chính lối thơ có vẻ tân kì kia nhấn chìm, đè bẹp. Trường hợp của Hàn Mặc Tử thì sao? Cứ theo hành trạng thơ thì thấy: thi nhân đã phải rẽ ngang ở đoạn đường nào đó. Văn chương cũng cần lắm, sức mạnh khai sơn phá thạch của người thơ.


Tôi nghĩ mọi cuộc cách mạng, trong đó có thơ ca, để nảy sinh, phải hội đủ những điều kiện nào đó. Ví dụ, ở phương diện chủ quan, phải tính tới ý thức cá nhân cá tính, ý thức về sự tự do, dân chủ trong sáng tạo. Ở phương diện khách quan, nên quan tâm tới bối cảnh văn hoá chính trị đã chi phối tới sự viết, sự sống của kẻ cầm bút. Nghĩ thế, có phần xa rời thực tế. Vì hầu hết những thử nghiệm, cách tân thơ ca ở ta đều bắt nguồn từ sự tiếp biến tư tưởng văn hoá phương Tây, chứ ít khi có cuộc cách tân nội bộ. Người thơ luôn luôn đến muộn, muộn so với người mấy chục năm, chừng hàng trăm năm.


Công bằng, không phải nhà thơ Việt "chậm chạp" đổi mới, mà thực ra những điều kiện văn hoá xã hội nào đó chưa chín muồi, chưa tạo ra những điều kiện cần thiết để ý thức đổi mới văn học đơm hoa kết trái. Một số "cánh chim đầu đàn" chưa mạnh dạn theo đuổi đường bay mới. Số ít táo bạo hơn trong cách nghĩ, cách làm thì gặp không ít trở ngại, thậm chí "bị thương". Kẻ hậu sinh cầm cây bút lên, thấy vết thương cũ của người năm ấy chưa lành, vết thương mới lại xuất hiện, thì cũng dè dặt lắm.


Thơ Việt Nam giai đoạn 1930-1945 chứng kiến: nhiều thi nhân tìm đến Baudelaire, Mallarmé, Verlaine chẳng khác gì tìm kiếm một lối thoát cho những bế tắc về tư tưởng, về nghệ thuật biểu hiện. Số còn lại đón nhận nồng nhiệt Baudelaire để tiếp sức cho công cuộc cách tân thơ bền bỉ. Thế Lữ, người đầu tiên tuyên bố cuộc sống thoát li cũng tìm đến Baudelaire hòng giữ địa vị bá chủ của mình trong Thơ mới. Xuân Diệu, Huy Cận đều tiếp nhận dè dặt tinh thần sáng tạo của Baudelaire – "ông tổ tượng trưng" và Verlaine, một đại biểu xuất sắc của trào lưu đó. Chịu ảnh hưởng đậm nét của Baudelaire, Edgar Poe, Mallarmé, Valéry phải kể đến: Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên. Xem ra, cách tân thơ liên quan mật thiết với "con người tư tưởng".


Hàn Mặc Tử đến với thơ tượng trưng từ bao giờ? Năm 1936, tập Gái quê ra đời. Thi sĩ họ Hàn trút bỏ phong vận Đường thi từ đấy (Lệ Thanh thi tập). Cùng năm đó, Trường thơ Loạn được thành lập, Hàn Mặc Tử giữ vai trò chủ soái. Tập thơ Gái quê với tính cách tượng trưng của nó đã đóng vai trò như một bước đệm trong hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Như vậy, có một bài học sáng tạo ở đây: nhà thơ cần làm mới con người tư tưởng ở mình, trước khi muốn làm mới văn chương. Để làm mới được, dĩ nhiên không thể thiếu bản lĩnh.


Cách tân thơ càng trở nên có ý nghĩa và tạo thành "vệt đậm", thành "trường phái" khi có một nhóm người cầm bút cùng nhau theo đuổi một lối viết. Sự "cùng nhau" này, nhiều lúc do ngẫu nhiên. Đúng hơn, ở những điều kiện nhất định, tất yếu phải thế. Số phận của công cuộc cách tân thơ một phần phụ thuộc vào "cánh chim đầu đàn", phần nữa do các thành viên cùng chí hướng quyết định.


Ta thấy, mọi ý đồ cách tân thơ đều không mấy dễ dàng thành công. Ban đầu, "người thơ" thường chịu sự ghẻ lạnh, hắt hủi của người đời, vì cái mới-cái lạ kia phá vỡ trạng thái lặng lẽ sống, lặng lẽ viết của họ. Sau nữa, giả định khuynh hướng sáng tác mới chứng minh được "lí do tồn tại tất yếu của mình", nó sẽ có chỗ đứng đáng kể trong sân thơ chật hẹp nhường ấy. Hiển nhiên, nếu thiếu ý thức tranh đấu quyết liệt cho sự tồn tại của khuynh hướng thơ tích cực thì ý đồ cách tân thơ nào đó sẽ nhanh chóng thất bại. Hơn nữa, theo tôi, chính nội lực sáng tạo dồi dào, tài hoa của người viết sẽ quyết định đường hướng thơ, số phận thơ của họ. Lấy trường hợp Hàn Mặc Tử làm ví dụ. Tập thơ Đau thương, một tập thơ đậm tính cách tượng trưng nhất của Hàn Mặc Tử, được soạn từ năm 1937 và chỉ một năm sau thì hoàn thành. Song sinh với Đau thương, có Điêu tàn của Chế Lan Viên (1937). Tinh huyết của Bích Khê ra đời muộn hơn (1939). Tập thơ Tinh huyết lại do chính Hàn đề tựa, sau khi ông đã giới thiệu Chế Lan Viên trên báo Tràng An (1936), và Xác thu của Hoàng Diệp (1937). Tại thời điểm Tinh huyết chào đời, Hàn Mặc Tử đã đi qua lối thơ tượng trưng và bắt đầu đặt chân lên mảnh đất siêu thực. Thi tài của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê… được thừa nhận. Chúng ta không thể nhắc đến công sức của người này mà bỏ đóng góp quan trọng của người kia.


2. Hàn Mặc Tử với nhiều ngã rẽ


Phan Sào Nam tiên sinh từng hết lời ca ngợi thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử. Tưởng Hàn Mặc Tử cứ phong vận đó đến với chúng ta. Ai ngờ thi sĩ họ Hàn kia đã sớm cởi bỏ y phục cũ kỹ, mặc "Âu phục" để bước vào làng Thơ mới. Từ năm 1936, Hàn Mặc Tử sánh vai với Gái quê đi về cõi hư linh, bay lên với trăng sao, với hồn, nhạc… Thế giới thơ Hàn Mặc Tử thánh thiện và huyền diệu. Ở đó, hư thực không thể phân biệt rõ ràng. Hàn Mặc Tử trở thành một "điềm lạ", một hiện tượng thơ phức tạp và còn nhiều bí ẩn.


Đọc Hàn Mặc Tử lâu nay, xem trọng tinh thần lãng mạn, ít chú ý tới yếu tố tượng trưng và yếu tố siêu thực - cái làm nên bản sắc thơ của một tài năng kì lạ và "đau thương tột cùng" này. Trong bài "Đôi nét về Hàn Mặc Tử", Quách Tấn, bạn tâm giao với thi sĩ sớm nhận thấy: "Ngay từ tập Thơ điên, Hàn Mặc Tử đã "đi từ lãng mạn đến tượng trưng". Từ Xuân Như ý đến Thượng thanh khí, thơ Tử lần lần từ địa hạt tượng trưng đến địa hạt siêu thực". [1] Thật hiếm có trường hợp nào, chỉ trong vài năm, đã làm ba cuộc cách mạng thơ ca như Hàn Mặc Tử.


Hàn Mặc Tử không biến mình thành "cây đàn độc điệu", không chịu buông neo một chỗ. Ông tìm mọi cách tự vượt mình trong nhiều lối thơ tân kì. Thơ Hàn Mặc Tử không vẽ vời hình thức thơ ca, mà đổi mới từ trong cốt tuỷ. Không ai giống Hàn Mặc Tử trong bản hoà âm độc đáo ấy. Tôi xem thơ Hàn Mặc Tử hiện đại nhất, dị thường nhất. Vương Trí Nhàn nói: "Trước mắt chúng ta có một giọng thơ độc đáo không chia sẻ âm hưởng với ai hết". [2] Thơ Hàn Mặc Tử đại diện cho một khuynh hướng thơ độc đáo, với nhiều tìm tòi táo bạo. Có tìm thể thấy điệu thơ của Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Đinh Hùng… trong hồn thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng để tìm thấy một bản sao nguyên cảo "lối thơ điên" nữa, thì thật khó thay!



3. Hàn Mặc Tử tiếp nhận để cách tân thơ


Không phải ngẫu nhiên, khi Thơ mới nở rộ, đạt nhiều thành tựu cao, thì trường phái thơ tượng trưng được chào đón nồng nhiệt hơn cả. Baudelaire trở thành "đường viền" của sáng tác thơ ca. Ngôi sao Thế Lữ bị lu mờ, bởi "nguồn thơ Thế Lữ đã cạn không đi kịp thời đại" (Hoài Thanh). Thế Lữ đến với Baudelaire khá muộn. "Nguyễn Bính chỉ còn thiếu một hiểu biết Tây học nên không thành nổi nhà thơ đầu đàn." [3] Như vậy, có trường hợp tiếp nhận để cách tân thơ. Nhưng, sự tiếp nhận với ý nghĩa này, luôn đòi hỏi phải có bản lĩnh và tiền đề văn hoá cần thiết. Muốn tiếp nhận được khuynh hướng sáng tác mới, nhà thơ phải có trữ lượng sáng tạo dồi dào, phải có năng lực làm mới mình, làm mới cái được tiếp nhận. Dù vậy, không hiếm trường hợp tiếp nhận lối viết mới khá sớm mà chẳng bao lâu, người thơ bị cùn bút ngay, vì nguồn năng lượng sáng tạo kia không thể phù trợ cho cái tạng sáng tác có phần riêng biệt của tác giả. Tiếp nhận khuynh hướng sáng tác thơ chỉ thực sự có ý nghĩa cách tân khi, xét về phương diện chủ quan, nhà thơ có đầy đủ các tố chất cần thiết đảm bảo cho nó nảy nở và phát triển theo qui luật đặc thù. Mọi hành động tiếp nhận sáng tạo thi ca, sẽ tạo ra các tác phẩm đơn điệu và nhàm chán, nếu nhà thơ không có nhu cầu đổi mới tư duy văn học.


Hàn Mặc Tử tiếp nhận những gì? Thơ Mallarmé gắn bó với âm nhạc. Thơ Hàn Mặc Tử cũng có bản hoà âm huyền ảo của: "ánh sáng (…) tiếng suối (…)". Thi pháp của Apollinaire gắn bó với hội hoạ. Thi sĩ họ Hàn thường lấy chất liệu màu sắc để tạo nên thế giới thơ. Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng: sáng tạo thơ ca tương đồng với sự sinh sôi của tạo hoá. Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng muốn nắm được cái huyền diệu của thơ, của tạo vật. Nhà thơ hăm hở "đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời" ("Quan niệm thơ"), và coi nghệ thuật là "tác phẩm của trời đất" ("Nghệ thuật là gì?").


Theo tôi, đỉnh cao thơ Hàn Mặc Tử, đóng góp lớn nhất của thi sĩ là ở mảng thơ tượng trưng và chớm siêu thực, tạo nên vũ trụ thơ Hàn Mặc Tử đặc sắc nhất, vẻ vang nhất, "kì dị" nhất bắt đầu từ Đau thương. Ngay từ Đau thương, kiến trúc ngôn từ đã đồng nhất với cảnh chiêm bao vô thức. Thi sĩ "siêu hoá những ước mơ không được thoả mãn":



Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
("Cô liêu")

Ta là ta hay không phải là ta?...
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ
("Siêu thoát")

Tôi còn ở đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu



Dù trong thời kì đầu và chặng cuối con đường, thơ của Hàn Mặc Tử trong sáng, nhưng về cơ bản, Hàn Mặc Tử không có vóc dáng lí tưởng của một thi sĩ lãng mạn thuần nhất. Tôi nhấn mạnh: Từ tập Gái quê trở về trước, Hàn Mặc Tử sáng tạo ra "thơ hội hoạ". Sau nó nghiêng hẳn về "thơ âm nhạc", "thơ điên". Tập Thơ điên minh chứng cho con đường đi riêng của thi sĩ về nhịp, nhạc, về khả năng biểu hiện bản giao hưởng của tâm hồn. Chính Hàn Mặc Tử, trước khi vào nhà thương Quy Hoà, đã từng dặn Quách Tấn: "Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên... Không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình." Tôi thấy quan niệm thơ khá thú vị của Hàn Mặc Tử trong câu nói có vấn đề này: Sáng tạo thơ đồng nghĩa với khám phá và biểu hiện con người thứ hai trong mình. Con người trong thơ thuộc về thế giới ẩn ức, tiềm thức đầy bí ẩn. Con người trong thơ được tự do sống với bản lai diện mục của mình. Trong khi sáng tạo, nhà thơ sống với cảnh giới mà mình chưa hề biết, với trạng thái mà mình chưa trải qua, với thời gian, không gian phi hiện thực. Tất cả đều bí ẩn đối với người viết và đối với người đọc.


Hàn Mặc Tử yêu cầu thơ ca phải phát ra tiếng kêu than rền rĩ:


Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại hồn thơ ta đang xiết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh...
(“Rướm máu”)


Nếu xem điên là một trạng thái sáng tạo mãnh liệt, giây phút sáng láng của hồn thơ, thì thực chất bài thơ "Rướm máu” khẳng định: Thơ ra đời từ một trạng thái “quay cuồng”, “ngất ngư” không gì kiềm chế nổi. Thơ khởi phát từ trạng thái xuất thần, từ "đáy tâm linh”. Ngôn ngữ tâm linh, ngôn ngữ nội tâm trong cảnh giới sáng tạo của thi sĩ hoá thân tự nhiên thành ngôn ngữ thơ. Chính cảnh ngộ đau thương hiện thực và tâm thức cái chết đương liền kề đã đem lại "cái rung động sung sướng" cho thi sĩ (“Nghệ thuật là gì?”). Trạng thái “điên” trong thơ Hàn Mặc Tử gần với khoảnh khắc “quên” kì diệu của thơ Thiền. Người làm thơ “không có thì giờ nghĩ về mình”, anh ta như bị thôi miên, lạc vào cõi huyền diệu, khám phá ra “cái siêu tôi”. Hàn Mặc Tử khẳng định: “Tôi làm thơ... nghĩa là tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật... tôi mất trí, phát điên” (Tựa Thơ điên). Thi sĩ họ Hàn coi trọng tiềm thức, vô thức, chủ trương một lối viết tự động. Thi sĩ “để mặc cho giai âm rên rỉ”, khẩn khoản với mọi người: “Đừng nắm lại hồn thơ ta đang xiết...” rồi dứt khoát khẳng định “không ai ngăn cản được tiếng lòng tôi”. Theo tôi, lối viết tự động ở Hàn Mặc Tử khá gần gũi với lối viết tự do đã được André Breton đề xướng từ năm 1929 trong “Tuyên ngôn thứ nhất” và bản “Tuyên ngôn thứ hai của chủ nghĩa siêu thực” [4] .



4. Muốn cách tân thơ, trước hết phải đem đến một quan niệm mới về thể loại


Bằng chứng đáng tin cậy nhất của sự sáng tạo đổi mới chính là diện mạo của tác phẩm trong đời sống văn học. Còn quan niệm của nhà thơ về thể loại được phát biểu rải rác ở đâu đó sẽ trở thành tôn chỉ, mục đích sáng tạo của người nghệ sĩ, nếu như quan niệm đó thôi thúc nhà thơ cầm bút để khẳng định nét riêng của mình. Muốn cách tân thơ, nhà thơ cần hình thành cho mình một quan niệm thơ mới mẻ trước đã. Quan niệm về thể loại chẳng mới mẻ gì, thì chẳng bao giờ tác giả tạo được cho thơ ca một khuôn mặt mới.


Với Hàn Mặc Tử, khi sáng tạo, một mặt nhà thơ khai thác những dữ kiện trực tiếp của ý thức cá nhân, mặt khác thi nhân sẽ “quên cả thói quen phân tích của tư duy lô gíc... để cho trực giác của tâm linh trỗi dậy”. Thơ “đưa chúng ta vào một trạng thái tâm lí bất ổn” (Béc-xông). Nhà thơ cố gắng nắm bắt những cảm xúc tột cùng của con người, “những cái trừu tượng đang vận động”. Thơ chợt về với nghệ sĩ ở những giây phút máu cuồnghồn điên.


Hàn Mặc Tử không giấu những đau thương, thi sĩ cứ muốn ở mãi trong đau thương: Thơ tôi thường huyền diệu (“Cao hứng”), lời thảm thương rền khắp nẻo mơ (“Trút linh hồn”). Hàn Mặc Tử nhận thấy “nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên”. Muốn phát điên, anh ta phải “sống mãnh liệt và đầy đủ”, muốn bay tới địa hạt huyền diệu, anh ta phải “mộng”, phải có trí tưởng tượng dồi dào, đặc biệt phải sành âm nhạc và màu sắc. Nhà thơ muốn đến bến bờ tượng trưng cần “có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao...”


5. Vũ trụ thơ của Hàn Mặc Tử: kì dị và lạ thường


Kết quả của sự cách tân thơ, sau cùng phải đem lại cho người đọc một thế giới nghệ thuật mới, một hình thức mới của cái nhìn nghệ thuật. Không có thế giới nghệ thuật mới lạ thì coi như chưa đổi mới thơ. Vậy, Hàn Mặc Tử đã sáng tạo ra thế giới nghệ thuật nào?


Trong bài viết “Nghệ thuật là gì?” năm 1935, Hàn Mặc Tử nhấn mạnh: nhà thơ cần có “năng lực mạnh mẽ về tinh thần, thứ năng lực ấy nó làm cho con người thêm hứng khởi đi tìm cái sự lạ”. Hàn Mặc Tử “đi tìm cái sự lạ” “ở chốn xa xăm, thiêng liêng và huyền bí”. Nhà thơ “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”, thơ Hàn có một nguồn “sáng lạ”, lời thơ và tâm thế của người thơ rất kì dị.


Đọc thơ Hàn Mặc Tử, nhà phê bình Hoài Thanh có cảm nhận mình như lạc vào “cái thế giới kì dị”, “đi trong mờ mờ”, thấy nguồn thơ của thi sĩ nảy nở thật lạ lùng. ““Xuân như ý” có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng”; cảnh vật trong “Máu cuồng và hồn điên” “...không thấy có tí gì giống với cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử (...) trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn.”

Trong cái nhìn nghệ thuật của Hàn Mặc Tử, cái sự lạ kia biểu hiện như một cảnh thực, thứ hiện thực ảo. Cái sự lạ trong vũ trụ thơ ấy xuất hiện cùng với tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng của chủ thể trữ tình.


Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc [5]
Tiếng ca chen lấn từ trong ra...
Áo quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình...
Nụ cười dưới ấy và trên ấy
Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ...
(“Nụ cười”)

Gió rủ nhau đi trốn cả rồi
Nhỏ to, câu chuyện, ô kìa coi
Trong lau như có điều chi lạ
Hai bóng lung lay thấy cọ mài...
(“Khóm vi lau”)

Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu
Lời nguyện, gẫm xanh như màu huyền diệu
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ


Nhà thơ đi tìm cái lạ chưa đủ, anh ta cần phải chiếm lĩnh cho được cái kì dị. Hai thứ đó đan xen với nhau tạo ra hứng thơ mạnh mẽ và vô tận.


Lời thơ ngậm cứng, không rên rỉ
Và máu tim anh vọt láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
Tiếng vang tha thiết dội muôn nơi...

Tiếng thông vi vút như van lơn...
Mây buồn vơ vẩn bay đầu non...
Ngây tình, bóng liễu câm không nói
Trong khóm vi lau có tiếng than
(“Trên bờ”)


Tất cả đường thơ mà thi sĩ họ Hàn đi qua, ngay cả “Đường thi” cũng đã trổ ra những ánh khác lạ [6] . Mỹ học thơ Hàn có thể gói gọn trong hai phạm trù thẩm mỹ: kì dị và lạ thường. Thơ Hàn Mặc Tử không bình dị và không đài các. Lối thơ thứ nhất, có tính cách phổ thông, chưa biết đến cái lạ. Lối viết thứ hai thuộc cái thông bệnh của thi sĩ Hán học, nên không thể trở thành cái kì dị được. Thơ Hàn Mặc Tử: kì dị và khác lạ. Kì dị và khác lạ trước hết ở thi ảnh, thi cảm.


Nhà thơ Baudelaire từng hết lời ca ngợi những người tự do, biết: “bay vào những trường sáng sủa và thanh sạch...” (“Lên cao”), tôn vinh “người hiểu được ngôn ngữ của những sự vật câm lặng”. [7] Theo Baudelaire, nguyên tắc mĩ học của thơ ca thuộc về nghệ thuật biểu tượng. ông nhấn mạnh chính “trí tưởng tượng đã dạy cho con người cái ý nghĩa tinh thần của màu sắc, của đường nét, của âm thanh, của mùi hương, từ khởi thuỷ nó đã... tạo ra phép ẩn dụ”. [8] Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta thấy lời thơ cũng đầy ánh sáng. Thi cảm,thi ảnh được “nuôi mãi trong nguồn ánh sáng thiêng liêng”. Thi nhân “say sưa đi trong mơ ước”, “đi đến cõi ước mơ hoàn toàn”, “ọc ra từng búng thơ sáng láng”. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử có vẻ đẹp của một giấc mộng.


Verlaine chủ trương giấc mơ hơn thực tại. Hàn Mặc Tử cũng nói nhiều đến giấc mơ, cảnh chiêm bao, tới thế giới không nhìn thấy. Theo Hàn Mặc Tử, ý thơ nảy sinh từ trời mộng, thơ diễn tả “những tiếng ca của tình cảm, của tưởng tượng, của mơ màng” (“Không nên có luật thơ mới”, “Chiêm bao với sự thật”), thi sĩ bị ánh sáng của chiêm bao vây riết. Theo tôi, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” khá tiêu biểu cho khuynh hướng tìm tòi sáng tạo này. Vì rằng, để có được “Đây thôn Vĩ Dạ”,

Hàn Mặc Tử đã phải đối thoại âm thầm với tấm bưu ảnh, đối thoại với đối tượng lặng câm, với tình yêu đơn phương vô vọng. Hình thức đối thoại ảo truyền tả được khát vọng được yêu, được sống mãnh liệt của nhà thơ. Nhà thơ phá vỡ thế độc thoại bên trong để tạo vẻ đối thoại ảo. Vẻ huyền ảo xa vời của thôn Vĩ hiện về trong tâm thức đau thương của một hồn thơ cô đơn. Thi sĩ tưởng tượng ra một cố nhân đang mong chờ mình, mời mình về thôn Vĩ. Thi sĩ mơ tiếng gọi thiết tha trìu mến của người thương, ao ước nghe thấy lời chào mời giục giã của cô gái ấy. Thế giới “Đây thôn Vĩ Dạ” tràn đầy ánh sáng, thực ảo chập chờn chuyển hoá lẫn nhau. Con thuyền thơ cứ chảy trôi trong thế giới mộng ảo, trong cõi mơ, con người Huế cũng chìm trong mộng ảo.


Nếu thơ Xuân Diệu đề cập nhiều đến sắc và hương thì thơ Hàn Mặc Tử nói nhiều về âm thanh và ánh sáng. Chỗ mạnh của Hàn Mặc Tử là cảm nhận được ánh sáng và âm điệu của sự vật. Hàn Mặc Tử quan niệm: đời sống bí mật riêng tư của sự vật nằm ở ánh sáng và âm điệu của nó.


Hàn Mặc Tử lạc vào thế giới của cái kì dị và lạ thường, thế giới của âm thanh và ánh sáng lạ. Thế giới ấy có cấu trúc riêng, ý nghĩa riêng, quy luật vận động riêng. Chẳng phải vô cớ Hàn Mặc Tử luôn chú ý tới nắng. Nắng trong thơ thi sĩ họ Hàn trở thành tín hiệu báo mùa:


Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
(“Mùa xuân chín”)


Nắng ửng có vẻ riêng trong cái nhìn xuân tình của tác giả. Nắng ửng không chỉ báo hiệu “bóng xuân sang” mà còn đánh dấu khoảnh khắc: mùa xuân bắt đầu chín. Nắng ửng gắn liền với tâm trạng rạo rực xôn xao ở hồn người. Bài thơ “Mùa xuân chín” đọng lại cái nắng hắt ra từ cõi nhớ. Nắng trong hoài niệm, thứ nắng hoài vọng chín theo sự chín của mùa xuân, tình xuân. Nắng chín dĩ nhiên đẹp, nhưng phảng phất buồn. Đẹp bởi cảnh xuân, tình xuân nồng nàn. Buồn bởi “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Trong tác phẩm “Ngủ với trăng”, nhân vật trữ tình “khao khát trăng gió” và “đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy”. Nắng chang chang đốt lòng người thực ra là hình ảnh phái sinh của kiểu nắng cháy. Nhưng nếu nắng chang chang loang ra dọc bờ sông trắng, thì nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy ở đây lại xuất hiện trong một không gian khá đặc biệt: “trên sóng cành, sóng áo cô gì má đỏ hây hây”. Ngừng, reo, cháy ứng với ba cung bậc tình cảm khác nhau của con người: lặng im, xao xuyếncuồng si. Ba trạng thái tình cảm ấy đồng nhất với ba cảm xúc sáng tạo. Hoá ra, nắng biểu hiện thi hứng, thi cảm của nhà thơ.

Nắng trong thơ Hàn Mặc Tử có “tuổi” và có tình. Người ta thường nói: trăng sáng, sao sáng, còn Hàn Mặc Tử lại cảm thấy nắng sao. Nắng reo đã lạ, nắng sao, nắng trong đêm thì lại càng kỳ. Có lẽ thứ nắng ấy chỉ xuất hiện trong thế giới thi ca của Hàn Mặc Tử với một tâm thế trữ tình đặc biệt “buồn trong mộng” (“Buồn ở đây”). Nắng trong thơ Hàn thường gắn với hoài niệm, phảng phất duyên tình: nắng vàng con mắt thấy duyên đâu. Nắng gắn với duyên phận, nắng mang nỗi niềm cô đơn: “không duyên hồ dễ mong theo nắng” (“Duyên kỳ ngộ”). Nắng, thứ ánh sáng đặc biệt trong thơ Hàn, biến ảo theo cường độ nỗi đau, nỗi nhớ. Biên độ nắng không có giới hạn, rộng mở theo không gian xa cách, theo “thế giới ảo huyền”. Nắng ửng làm “khói mơ tan”, nắng dọi làm “bài thơ cháy”. Ngay cả nắng mai cũng “dìu dịu mối sầu vương” (“Duyên kỳ ngộ”).


Nắng là một loại ánh sáng đặc biệt, “ánh sáng của chiêm bao, huyền diệu” (“Chơi giữa mùa trăng”). Nắng trở thành tín hiệu thẩm mỹ, báo hiệu mùa thơ đang chín (“Kêu gọi”). Nắng kích thích trí tưởng tượng của nhà thơ bay vào cõi mơ:


Nắng càng cao lòng ta càng hừng hực
Thơ lên rồi bay quá giải nhàn vân...
(“Duyên kỳ ngộ”)

Ôi chao thơ ngầm bay theo dải nắng
Lộng vào xiêm áo mỏng manh sao...


Sự vận động của Nắng tạo ra thi giới của “cái tột cùng”. Nắng vừa hoá giải đau thương vừa ràng rịt nỗi đau. Nắng được nhìn qua lăng kính của hồn và xác.


Nắng ơi, nắng có lên cao
Làm sao da thịt hồng hào thế kia
(“Duyên kỳ ngộ”)


Nói đến hồn, đến thơ không thể không nhắc tới nắng. Nắng hoà quyện với hồn, với thơ. Nắng và hồn ở trong thơ - cái vũ trụ do Hàn Mặc Tử sáng tạo ra.


Hàn Mặc Tử ít nói đến nắng thu, nắng hè... thi sĩ có ấn tượng nhiều hơn với nắng xuân. Nắng xuân ám ảnh, quấn riết lấy thi sĩ. Xuân trong thi giới của Hàn Mặc Tử cũng khá lạ: “xuân mộng”,”xuân gấm” (“Xuân đầu tiên”) “xuân thơm” (“Nhớ thương”), “xuân lịch sự”. Hình tượng Xuân chẳng qua do con người hoá thân mà thành, nhưng không phải con người trần tục, trần thế mà một người “ngọc”, người của cõi mộng, cao quí thanh sạch (“Cô gái đồng trinh”). Tuổi xuân là Ngọc như ý, tên xuân là Dạ lan hương. Xuân gắn với mơ ước, xuân tắm nắng tươi (“Tiếng vang”), nắng mới.


Ánh sáng trong thơ thi sĩ họ Hàn có hình khối, hương sắc chiếm vị trí quan trọng trong thơ, gần như trở thành đơn vị đo đếm thế giới. Bên cạnh ánh sáng của nắng, Hàn Mặc Tử còn ưa tả ánh sáng của trăng. Hàn Mặc Tử thường tả ánh sáng trong trẻo của trăng rằm. “Trăng (...) tượng trưng cho một mùa ao ước (...) và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán.” (“Chơi giữa mùa trăng”) Trong trăng có hương thơm, có nhạc, có hơi thở và có tình. “Tình thoát ra ở điệu nhạc mênh mang trong bờ bến của chiêm bao.” Trong chiêm bao, trong vùng mộng siêu thời gian, đến gió cũng “phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa.” Thế giới ánh sáng thu hẹp ở hình tượng “trăng”. Thế giới trăng, thế giới của những ao ước nhớ thương hợp thành một thể thống nhất: thế giới nghệ thuật.


Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi...


Trăng nằm, thơ mộng, chông chênh và hư huyền quá. Mà lại nằm sóng soải thì thật táo bạo, gợi tình. Cảm xúc thơ bừng lên, rạo rực men say ái tình. Cái khao khát “cuồng điên” của trăng biểu hiện trong tư thế, tâm trạng, thậm chí cả trong cái ý nghĩ trần thế: để lả lơi.


Con người trong thơ Hàn Mặc Tử được bao bọc "bằng ánh sáng, bằng huyền diệu”, “say sưa và ngây ngất vì ánh sáng”, bầu trời càng sáng con người càng “hứng trí”. Thậm chí đi trong ánh sáng "đê mê, không biết là có mình và nhận mình là ai nữa.” Ánh sáng tạo ra ở chủ thể sáng tạo cảm giác siêu thoát hay hư vô. Ánh sáng với vẻ trắng trong, đồng trinh, thanh thoát của nó - trong cảm quan của Hàn Mặc Tử - là hiện thân của Đấng tối linh, của Đức Mẹ. Ánh sáng được ví với thứ ma lực vô song, “xô thi sĩ đến bờ huyền diệu”. “Mùa trăng bát ngát... lòng tôi rực lên cảm hứng”, “từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sánh của chiêm bao vây riết..." (“Chiêm bao với sự thực”). Ánh sáng vừa vĩnh viễn vừa không vĩnh viễn. Có ánh sáng thực, ánh sáng mộng. Có thứ ánh sáng "tan thành bọt", có loại ánh sáng muôn năm mà thi sĩ khao khát chiếm giữ được. Ánh sáng "giải thoát cái "ta" của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt..."


Trong cảm quan Hàn Mặc Tử, ánh sáng của các vì tinh tú giống như "châu ngọc", "hào quang", ánh sáng của sao, trăng hợp lại thành một "vùng trời mộng", "khí hạo nhiên". Biết bao nhiêu thứ ánh sáng, nổi bật là ánh trăng. Chỗ nào cũng trăng, "tưởng chừng như bầu thế giới… cũng đang ngập lụt trong trăng, đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác", "cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu…" Trên con đường sáng láng ấy, Hàn Mặc Tử đi "tìm Chân lý ngàn năm" ("Chiêm bao với sự thực").


Bên cạnh hình ảnh ánh sáng, thơ Hàn Mặc Tử cũng tràn đầy âm thanh. Đó là "tiếng thất thanh rùng rợn", là "giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng". Thi sĩ bộc bạch: Nàng đánh tôi đau quá / Tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Hơn một lần thi sĩ nghe thấy âm thanh kì dị ở chốn âm u:


Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
("Trường tương tư")


"Trường tương tư" tái hiện "tiếng nói siêu thực", tiếng nói dị thường. Cảm quan về sự tồn tại của cái lạ thường đã xui khiến Hàn Mặc Tử tìm đến thế giới Hư Vô, tới "cõi vô cùng".


Mới hay cõi siêu hình cao tột bậc
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
("Siêu thoát")

Cũng hình như, em hỡi, động Huyền Không
Mà đêm nghe, tiếng khóc ở đáy lòng
Ở trong phổi trong tim trong hồn nữa..
(“Trường tương tư”)


Thi nhân nhạy cảm với mọi âm thanh, đặc biệt là âm thanh vang lên từ tư tưởng, âm thanh từ cõi mờ, cõi huyền của cuộc sống.


Xuân Diệu bồng bột, đôi mắt xanh non biếc rờn nên nhìn mọi thứ đều tươi mới. Xuân Diệu không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần / Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất. Còn Hàn Mặc Tử cứ đi mãi vào sâu thế giới tâm linh, thế giới huyền hoặc của hồn và máu. Hàn Mặc Tử thấy mọi vật đang ở chặng cuối cùng hoặc đương lao nhanh về ngày tận thế, nên ông thấy trước cả “thế giới âm u”. Hàn Mặc Tử thường tạo ra một thế giới mênh mông, không giới hạn:


Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng


Nhà thơ của những "Hương thơm" và "Mật đắng" thường nắm lấy tính chất tượng trưng của mọi hiện tượng. Thi nhân đồng hoá Hữu Thể với Hư Vô:


Đây là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bàng bạc xứ mơ say


Theo cách diễn đạt của Hàn Mặc Tử, thì Hư Vô là một thực tại đặc biệt, có thanh-sắc, hình hài:


Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của Hư vô

Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi nhường bao
Ai tới đó chẳng mê man thần trí


Hàn Mặc Tử viết bằng tưởng tượng và "giấc mơ" trọn vẹn của chính mình. Mọi thứ trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử đều huyền ảo. "Cái huyền ảo luôn đẹp, bất kỳ cái huyền ảo nào cũng đẹp" (André Breton). Đọc thơ Hàn Mặc Tử, người đọc phải "tư duy và nhìn theo nhà thơ".



Phong Châu 5-2006
Hà Nội 3-2008

© 2008 talawas


[1]Hàn Mặc Tử thơ và đời (Lữ Huy Nguyên, sưu tầm, tuyển chọn). Nxb Văn học, 2000, tr 180.
[2]Vương Trí Nhàn, Những kiếp hoa dại. Nxb Hội Nhà văn, tr 98.
[3]Phan Ngọc, Ảnh hưởng của văn học Pháp tới văn học Việt Nam trong giai đoạn 1932-1940 / Tạp chí Văn học số 4-1993, tr. 25.
[4]Xem thêm: tạp chí Văn học nước ngoài, số 5-2004.
[5]Toàn bộ thơ được trích dẫn ở đây, căn cứ vào cuốn: Hàn Mặc Tử, tác phẩm, phê bình và tưởng niệm (Phan Cự Đệ tuyển) và Hàn Mặc Tử thơ (Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu).
[6]Đỗ Lai Thuý: Mắt thơ, Nxb Văn hoá thông tin, H, 2000, tr. 214.
[7]Dẫn theo: Phạm Văn Sĩ: Về tư tưởng và văn học hiện đại phương Tây, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, 1986, tr. 42.
[8]Dẫn theo: Phạm Văn Sĩ: Về tư tưởng và văn học hiện đại phương Tây, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, 1986, tr. 46.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Diệp Thiết Kiều, Tôn Hải Hoa

talawas 22.3.2008

Diệp Thiết Kiều, Tôn Hải Hoa

Trung Quốc: Tầng lớp mới đang trở nên tự giác gánh vác trách nhiệm xã hội

Lý Nguyên dịch

“Với tư cách là một uỷ viên Chính hiệp (toàn quốc), tôi tuyệt đối không thể chỉ nói vì người giầu.” Lưu Nghênh Hà khẩu khí kiên định.

Ngày 8 tháng 3 tại phòng họp báo Đại lễ đường Nhân dân, Lưu Nghênh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công ty Tường Ưng, Cáp Nhĩ Tân được Chính hiệp toàn quốc đề cử làm đại biểu của “nhân sĩ tầng lớp mới” tiếp nhận phỏng vấn của hàng trăm phóng viên trong, ngoài nước. Cùng trả lời phỏng vấn với bà còn có trăm triệu phú ông Từ Quán Cự, người xếp thứ 125 trong bảng những người giầu Trung Quốc năm 2007 của tạp chí Forbes; Vương Kiện Lâm, nhà doanh nghiệp nổi tiếng có tài sản tập đoàn trên 10 tỷ NDT, đã quyên góp từ thiện trên 1 tỷ NDT; cũng như Hàn Phương Minh, ngân hàng gia đầu tư đã từng là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trường Đại học Harvard và Lưu Hồng Vũ, nữ đối tác công việc luật sư nổi tiếng, họ đều là uỷ viên Chính hiệp toàn quốc khoá 11.

“Trách nhiệm xã hội”, mấy con chữ gần đây đã làm cho nhân sĩ tầng lớp mới chịu nhiều trách cứ, thậm chí bị dán cho cái nhãn hiệu “khiếm khuyết”, là chủ đề mà họ muốn nói.


Tầng lớp mới đang trỗi dậy

“Tôi cho rằng tầng lớp mới là người được hưởng lợi gần đây nhất sau ba mươi năm cải cách”, Lưu Nghênh Hà nói.

Năm Lưu Nghênh Hà thành lập công ty đúng là năm cuộc cải cách mở cửa của nước ta có ý nghĩa cột mốc - đó là năm 1992, đồng chí Đặng Tiều Bình tuần du miền Nam.

“Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã nói, phải để cho một số người, một số vùng giầu lên trước”. Câu nói đó còn ghi sâu trong ký ức Lưu Nghênh Hà.

Nhóm người giầu lên trước như Lưu Nghênh Hà cùng với các nhóm người khác mới trỗi dậy cấu tạo nên tầng lớp mới xã hội đã bơm thêm vào nhân tố mới cho kết cấu xã hội truyền thống do giai cấp công nhân, tầng lớp nông dân và phần tử trí thức tổ thành.

Có học giả cho rằng, sự sản sinh ra tầng lớp này có lợi cho tiến trình cải cách mở cửa và phát triển kinh tế nước ta. Chế độ công hữu đơn nhất chuyển biến thành kinh tế nhiều chế độ sở hữu cùng phát triển đã cung cấp cho sự sản sinh tầng lớp mới cơ sở chế độ, còn phân công lao động xã hội sẽ ngày càng tỉ mỉ hơn đã cung cấp cho sự xuất hiện của họ điều kiện hành nghề.

Rất nhiều người đồng thuận, tiêu chí cho việc thực sự trỗi dậy của tầng lớp mới là trong báo cáo Đại hội 16, Đại hội 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần đầu tiên đề xuất cách nói “tầng lớp mới”, đồng thời giới hạn nghề nghiệp của họ là nhân viên sáng nghiệp và nhân viên kỹ thuật của các xí nghiệp khoa học kỹ thuật dân doanh, nhân viên quản lý kỹ thuật được mời làm việc tại các xí nghiệp vốn nước ngoài, hộ cá thể, chủ xí nghiệp tư doanh, nhân viên hành nghề trong tổ chức môi giới, nhân viên làm nghề tự do v.v…

Còn tại Chính hiệp toàn quốc khoá này “tầng lớp mới” đã lần đầu tiên chính thức xuất hiện trên vũ đài Chính hiệp với bộ mặt là một quần thể.

Ngày 2 tháng 3, tại cuộc họp báo đầu tiên, Ngô Kiến Quốc, người phát ngôn báo chí của Đại hội Chính hiệp Toàn quốc đã đặc biệt đề cập tới việc “vừa có nhân vật lãnh đạo của các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục v.v…, cũng vừa có nhân sĩ đại biểu cho tầng lớp xã hội mới như các nhà xí nghiệp dân doanh, luật sư, kế toán sư v.v…”

Ngô Kiến Dân bình luận: “Việc gia tăng số lượng uỷ viên tầng lớp mới đã nâng cao tố chất chỉnh thể và trình độ tham chính, nghị chính của các uỷ viên.”


Hình ảnh của tầng lớp mới trên vũ đài chính trị

“Năm 1997, khi tôi đứng trước Đại lễ đường Nhân dân trang nghiêm, một cảm giác vinh dự tự hào đã tự nhiên nẩy sinh. Tôi cảm thấy đây là sự uỷ nhiệm trọng đại của quốc gia và nhân dân, tôi phải gánh vác trách nhiệm của một uỷ viên”, Từ Quán Cự với giọng nói tiếng phổ thông còn hơi mang âm hưởng Chiết Giang của mình kể lại cảm thụ của ông khi về Bắc Kinh tham chính.

Ông là một tiêu biểu của những nhà xí nghiệp dân doanh Trung Quốc tham chính. Ngày 23 tháng 1 năm 2001, với tư cách là nhà xí nghiệp dân doanh ông được bầu làm Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Chiết Giang. Lúc đó đã có học giả trực tiếp khái quát hiện tượng người phát ngôn cho kinh tế phi công hữu tiến vào con đường lớn chính trị quốc gia là “hiện tượng Từ Quán Cự”.

“Ngày càng nhiều các nhà xí nghiệp dân doanh tiến vào đời sống chính trị, là sự tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội nước ta, cũng là sự thể hiện tiến cùng thời đại, tư tưởng giải phóng của Đảng ta.” Từ Quán Cự đã từng biểu thị như vậy.

Ngoài ra những nhân vật có tính đại biểu của tầng lớp mới như luật sư, kế toán sư v.v… cũng lũ lượt tiến vào Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc, bước vào ngôi điện nghị sự quan trọng nhất của Trung Quốc.

Trong số này có luật sư Lưu Hồng Vũ, bà là người người sáng lập Viện công việc luật sư Đồng Đạt, Kim Thành.

“Đại biểu và uỷ viên là luật sư tham gia hai hội (Quốc hội và Chính hiệp), tôi cho rằng về số lượng so với các lĩnh vực khác hãy còn ít.” Lưu Hồng Vũ nói.

Nhưng với tư cách là nhà ngân hàng đầu tư, Hàn Phương Minh cho rằng đã tốt lắm rồi, ông nói: “Hiện nay cơ cấu chính trị của chúng ta đã cung cấp đường đi, điều kiện và bản vẽ đường lối cho tầng lớp mới tham dự đời sống chính trị quốc gia một cách có hiệu quả và trật tự.”

Hàn Phương Minh cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ chính trị hiện nay, ý thức quyền lợi công dân, bao gồm cả tầng lớp mới ngày càng trỗi dậy, nguyện vọng tham dự chính trị vô cùng mãnh liệt, “tầng lớp mới là bộ phận tổ thành của xã hội, sự tham dự của chúng tôi là sự tham dự của một bộ phận trong toàn thể công dân xã hội tham dự.”

Trên thực tế, hệ thống chính trị quốc gia đã nghiêm túc suy tính tới tác dụng và yêu cầu của tầng lớp mới. Chiều ngày 3 tháng 3, Giả Khánh Lâm, đại biểu Uỷ ban Thường vụ Uỷ ban Toàn quốc khoá mười của Chính hiệp đọc báo cáo công tác trước đại hội; trong báo cáo ông chỉ ra, trong công tác năm năm tới của Chính Hiệp, cần quan tâm chú ý cao độ tới dân chủ, quan tâm chú ý tới yêu cầu lợi ích của tầng lớp xã hội mới. “Chính hiệp phải liên hệ chặt chẽ với các nhân sĩ tầng lớp xã hội mới, quan tâm chú ý yêu cầu lợi ích của họ, làm thông suốt con đường biểu đạt lợi ích.”

“Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ có càng nhiều nhân sĩ tầng lớp mới trỗi dậy trong xã hội có quyền phát ngôn đối với công việc chung quốc gia”, Hàn Phương Minh nói.


Hình tượng xã hội đang chờ thay đổi

Tuy nhiên, đồng thời với việc lực ảnh hưởng ngày càng hình thành trên vũ đài chính trị, hình tượng xã hội của tầng lớp mới đã có một dạo gặp nguy hiểm.

Đối với một số người thì xem ra một số chủ xí nghiệp tư nhân và hộ cá thể thường thường gắn liền với những hiện tượng xấu xa như làm hàng giả hàng nhái, trốn thuế, lậu thuế, cắt xén tiền lương, hủ hoá cán bộ, xa hoa lãng phí, phá hoại môi trường và làm hỏng phong khí xã hội v.v… Còn tầng lớp mới như luật sư, người môi giới, kế toán sư v.v… thường không sao thoát khỏi dính líu với những đánh giá mặt trái như làm hủ bại ngành hàng, giỏi lừa gạt v.v…

Năm 2007 vừa qua, các phú hào tầng lớp mới do vụ án kinh tế mà bị bắt có Tạ Quốc Thắng, chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Viên, Hà Nam, nguyên Uỷ viên Chính hiệp Toàn quốc; Lý Nghĩa Siêu, chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trung Thái, nguyên đại biểu Quốc hội; Tôn Thụ Hoa, chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Lâm, nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam v.v…

Trong trả lời phỏng vấn hôm nay, 5 vị đại biểu cũng gặp những câu hỏi về mặt này.

Khi được hỏi “đối xử với bất công tư pháp như thế nào”, Lưu Hồng Vũ đã trình bầy thẳng thắn, trong ngành luật sư có con sâu làm rầu nồi canh, bới vì bản thân nghề luật sư là kết giao với quyền lực, “mà xưa nay, trong ngoài chỉ cần chỗ nào có quyền lực là sẽ có hủ bại.”

Nhưng bà cho rằng bất công tư pháp có bối cảnh vô cùng phức tạp. “Tôi đã đọc trong báo cáo của chính phủ, Thủ tướng Ôn đề xuất phải ra sức chống tham ô, chúng tôi thấy quyết tâm của chính phủ, tôi cũng hy vọng tư pháp công bằng phải do chánh án, luật sư và cộng đồng xã hôi xây dựng.”

Còn Vương Kiện Lâm, chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn Vạn Đạt, Đại Liên thì được hỏi, khi người ta nói đến nhà xí nghiệp dân doanh, nói chung đều gắn họ với quan thương câu kết, trốn thuế lậu thuế và không thành thực tín nghĩa, hỏi ông đánh giá tình trạng thành thực tín nghĩa hiện nay của các nhà xí nghiệp dân doanh Trung Quốc như thế nào.

Vương Kiện Lâm cũng nói thẳng, để phát triển, cá biệt xí nghiệp dân doanh trong thời kỳ đầu phát triển đã không từ thủ đoạn, tình trạng câu kết quan, thương là có.

Nhưng ông cho rằng bộ mặt của tầng lớp mới đang thay đổi.

Lưu Hồng Vũ nói ví dụ như Hội Luật sư Toàn quốc và Hội Luật sư các địa phương đều thành lập Uỷ ban chuyên nghiệp giúp đỡ luật sư, Uỷ ban chuyên nghiệp còn cùng Quỹ giúp đỡ luật sư của Bộ Tư pháp cùng thành lập Quỹ giúp đỡ nông dân vào thành phố làm thuê, chuyên phục vụ cho nông dân vào thành phố làm thuê. “Như Viện công việc luật sư Đồng Lệ Hoa Bắc Kinh, chuyên phục vụ pháp luật cho cho những nông dân vào thành phố làm thuê nghèo khổ, mỗi ngày có hàng ngàn lượt nông dân vào thành phố làm thuê chen chúc tại cửa viện, và điện thoại hầu như không ngừng cung cấp tư vấn.”

Vương Kiện Lâm cũng biểu thị, hiện nay nhiều xí nghiệp dân doanh phát triển rất nhanh, và rất tuân thủ luật pháp, thậm chí có cái đã tham gia cạnh tranh quốc tế.

“Không nên đánh giá tầng lớp mới quá lệch lạc.” Bảo Dục Quân, Hội trưởng Hội nghiên cứu kinh tế dân doanh Trung Quốc, từng là uỷ viên Chính hiệp toàn quốc khoá mười cho rằng, người vi phạm pháp luật, không tuân theo kỷ luật trong tầng lớp mới rốt cuộc chỉ là số ít, “tầng lớp sáng tạo của cải, công ăn việc làm, xuất khẩu, nộp thuế, thúc đẩy xây dựng thể chế kinh tế thị trường, lẽ ra phải được sự lý giải và tôn trọng của xã hội.”

Nhưng ông đồng thời thừa nhận, chưa thể đánh giá quá cao độ thành thục của tầng lớp mới trong xã hội. “Thời gian tầng lớp mới xuất hiện còn ngắn, thành viên cấu thành phức tạp, hoặc nhiều hoặc ít đều mang theo dấu ấn của môi trường mà họ vốn từng ở, thế giới quan, tố chất văn hoá cũng như hướng theo đuổi giá trị tương đối phức tạp, lại cộng thêm ở vào thời kỳ thể chế cũ, mới thay đổi, rất khó hình thành quan niệm giá trị thống nhất, nên sự trưởng thành của nó phải được sự lý giải, ủng hộ, và dẫn dắt của xã hội.”

“Nâng cao năng lực tham chính, nghị chính của tầng lớp mới cũng đòi hỏi phải có một quá trình”. Trần Hỷ Khánh, Phó Trưởng ban Mặt trận Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, uỷ viên Chính hiệp toàn quốc nói.


Tích cực dẫn dắt tầng lớp mới đảm đương trách nhiệm xã hội

Trong báo cáo, chủ tịch Giả Khánh Lâm đề xuất, đối với tầng lớp xã hội mới, phải “dẫn dắt họ tự giác gánh vác trách nhiệm xã hội, làm những người xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.”

Phó Trưởng ban Trần Hỷ Khánh nói, hiện nay tính tự giác đi lên trước vũ đài xã hội của “nhân sĩ tầng lớp mới” còn thể hiện chưa đủ.

“Phần lớn những người này không có biên chế, rất ít tham gia hoạt động xã hội có tổ chức”, phương thức kinh doanh phân tán, độc lập khiến họ có thói quen tồn tại độc lập ở ngoài hình thái ý thức chủ lưu. Đồng thời sự quan tâm chú ý và phương thức cống hiến của họ đối với xã hội cũng lộ rõ sự đơn nhất. Mặc dù quần thể này trực tiếp hoặc gián tiếp cống hiến cho toàn quốc gần 1/3 tiền thuế và 40% tổng mức xuất nhập khẩu thương mại, nhưng thường thường coi nhẹ trách nhiệm xã hội đối với văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, công ích v.v…

Ngoài ra tính công danh lợi lộc trong tham dự chính trị của tầng lớp mới cũng bị trách cứ. Trần Quang Kim, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phân tích chỉ ra: yêu cầu lợi ích chủ yếu của tầng lớp xã hội mới là hy vọng có thể trên một trình độ nhất định ảnh hưởng tới lực chấp hành chính sách, để từ đó tạo ra điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế phi công hữu.

Sáng ngày 8 tháng 3, trong hội nghị toàn thể lần thứ hai của Chính hiệp toàn quốc khoá 11, Vương Kiện Lâm đã có bài phát biểu tại hội nghị với nhan đề “Các nhà xí nghiệp dân doanh gánh vác trách nhiệm xã hội như thế nào”. Ông nói, “Trách nhiệm xã hội phải là vấn đề có tính chung của mọi xí nghiệp gia bao gồm cả xí nghiệp gia dân doanh.”

Còn Từ Quán Cự đã giao một đề án cho “hai hội” mà chủ đề là về việc thúc đẩy xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của xí nghiệp, nhằm cống hiến cho việc thúc đẩy xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa.
“Tôi nghĩ trách nhiệm xã hội của xí nghiệp nên là toàn phương vị, lập thể”, Từ Quán Cự nói, nên bao gồm trách nhiệm về các mặt như trách nhiệm yêu nước, báo quốc, trách nhiệm phát triển xã hội, trách nhiệm thành thực tín nghĩa tuân theo pháp luật, trách nhiệm dạo đức tự răn mình, trách nhiệm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như nhiệt tình vì công ích và sự nghiệp từ thiện v.v…

“Với tư cách là tầng lớp mới giầu lên trước, chúng ta nên gánh vác trách nhiệm xã hội trước.” Lưu Nghênh Hà nói, với tư cách là nhà xí nghiệp dân doanh, trước tiên phải thực sự xây dựng xí nghiệp cho tốt, cố gắng mở rộng cơ hội có công ăn việc làm, nâng cao tiêu chuẩn tiền lương của công nhân viên, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường sống và các hạng mục bảo hiểm phúc lợi của công nhân viên.

Được biết việc lựa chọn, bồi dưỡng các nhân sĩ đại biểu cho tầng lớp xã hội mới đã được đưa vào qui hoạch tổng thể của việc xây dựng đội ngũ đại biểu nhân sĩ ngoài Đảng. Hệ thống đánh giá tầng lớp xã hội mới cũng đang được bắt tay xây dựng, sự ra đời của nó sẽ cung cấp căn cứ quan trọng để đánh giá tầng lớp mới.


Bài đọc thêm: Thế nào là tầng lớp xã hội mới của Trung Quốc

Bản tiếng Việt © 2008 talawas

Nguồn: Báo Thanh niên Trung Quốc ngày 10/3/2008

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

Hà Cao Kỳ

Nguồn: Tạp chí DuZhe số 2 năm 2008

17.3.2008

Hà Cao Kỳ

Thư của một viện sĩ nước ngoài gửi viện sĩ Tôn Kiện

Dương Quốc Anh dịch

Tiến sĩ Tôn Kiện kính mến,

Phải trải qua đấu tranh tư tưởng rất lâu, tôi mới gửi bức thư này cho ngài. Tôi làm như vậy vì tôi biết 26 năm hữu nghị giữa chúng ta sẽ khiến ngài hiểu rằng tôi không hề có ác ý và động cơ đằng sau nào mà đây chỉ là những kỳ vọng từ đáy lòng đối với tương lai tốt đẹp của giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc.

Kể từ năm 1979, lần đầu tiên tới thăm Trung Quốc đến nay, hầu như năm nào tôi cũng về Trung Quốc, đồng thời đã tự thân chứng kiến những tiến triển to lớn trên các lĩnh vực bao gồm cả khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, những điều đó là chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ mỗi người dân Trung Quốc tự hào mà mỗi người Hoa trên toàn thế giới cũng chia hưởng niềm vinh dự đó.

Thế nhưng những tin tức gần đây và một số từng trải của tôi đã nói với tôi, về mặt đạo đức và chuẩn tắc, giới học thuật Trung Quốc đã có những việc làm không tốt lắm.

Mặc dù bối cảnh văn hóa và tập quán của Trung Quốc có chỗ khác với phương Tây, nhưng trong tiến trình toàn cầu hóa, nếu Trung Quốc muốn thể hiện mình một cách xuất sắc thì phải tuân theo các chuẩn tắc hành vi đã được tiếp nhận trên thế giới. Ngoài một số nguyên tắc cơ bản như quyền sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đạo đức đang được thi hành, việc coi thường những chuẩn tắc khác sẽ không được sự tiếp nhận của bất kỳ xã hội nào.

Tôi không muốn dùng những bàn luận trường giang đại hải để nói về ngọn nguồn và nguyên nhân của một số sự việc trái đạo đức đó, mà chỉ muốn đề cập tới hai nguyên nhân cơ bản làm phát sinh những sự tình đó tại Trung Quốc.


Thứ nhất, thể chế khen thưởng hiện hành của Trung Quốc đã ỷ lại quá trực tiếp vào số lượng của “thành tựu học thuật”.

Xem xét từ góc độ tiến hành đánh giá quan chức thì điều này có thể hiểu được. Chỉ tiêu định lượng (ví dụ như số lượng luận văn công bố) tương tự như chỉ tiêu định lượng cạnh tranh kỹ thuật thể dục (ví dụ như bạn nhảy cao được bao nhiêu), là dễ đánh giá vô cùng và khiến người ta tin. Thế nhưng mặt khác, việc đánh giá chất lượng là tương đối sâu xa khó hiểu, đòi hỏi tri thức chuyên nghiệp và sự lý giải sâu sắc. Thế nhưng trong công tác học thuật, “chất lượng” rõ ràng là chí cao vô thượng, giống như người ta không thể căn cứ vào số chữ để đánh giá một bài thơ Đường có hay hay không. Trước mắt, còn chưa có một hệ thống hoàn thiện để đánh giá chất lượng, vì thế sự đánh giá và thẩm tra của người cùng nghề là cơ chế được tiếp nhận phổ biến và duy nhất có thể được. Robert Oppenheimer (người cha của bom nguyên tử Mỹ) nói rất đúng: “Giá trị ròng của một người là tổng số những tôn kính mà người đó nhận được từ các đồng nghiệp”. Nhà toán học John Fritz của Viện Nghiên cứu Courant nói còn thẳng thắn hơn: “Tôi sống được là vì một số khâm phục bủn xỉn có được từ mấy người bạn toán học ở đây”. Khi bắt đầu bước vào hàng ngũ khoa học và vũ đài công trình thế giới, Trung Quốc nên lợi dụng nhiều hơn nữa hệ thống đánh giá thẩm tra cùng nghề quốc tế để đánh giá những cống hiến khoa học kỹ thuật của người Trung Quốc. Đương nhiên đối với những cống hiến kỹ thuật thực tế hơn, một chỉ tiêu khách quan khác là sự thành công trên thị trường quốc tế và trình độ được tiếp nhận. Tại Mỹ, Steve Jobes (người sáng lập và CEO công ty Apple) và Bill Gates (người sáng lập công ty Microsoft và là nhà khoa học hàng đầu) đều không học xong đại học nhưng đều được bầu làm viện sĩ khoa học kỹ thuật Mỹ, đó là vinh dự mà họ đáng được hưởng. Nếu như Trung Quốc vì sợ “mất thể diện” mà do dự không quyết trong việc mời các nhà khoa học nước ngoài không phải là người Hoa giúp đỡ đánh giá thẩm tra, thì vẫn còn các nhà khoa học gốc Hoa kiệt xuất tại các nơi trên thế giới, họ quen thuộc văn hóa Trung Quốc, đồng thời vô cùng nhiệt tình cung cấp những đánh giá khách quan các thành tựu khoa học của các học giả Trung Quốc mà không đòi hỏi thù lao.


Thứ hai, theo tôi biết, ở Trung Quốc những hành vi làm trái chuẩn tắc học thuật và đạo đức phải chịu trừng phạt rất nhẹ, thậm chí có lúc không bị trừng phạt, chỉ là một câu cảnh cáo “lần sau không được làm thế”.

Tục ngữ có câu “giết gà dọa khỉ”, ở phương Tây, trừng phạt việc ăn cắp và các hành vi học thuật xấu xa khác cực kỳ nghiêm, thường dẫn tới việc đương sự bị mất việc làm hoặc bị tước đoạt tư cách hành nghề suốt đời. Vì thế áp lực của đồng nghiệp và lòng tự răn thường đủ để làm cho tỷ lệ phát sinh các hành vi bất lương giảm tới mức thấp nhất. Chính phủ và lãnh đạo giới học thuật Trung Quốc phải thiết lập kỷ luật nghiêm khắc. Nếu không do kích thích của nguyên nhân thứ nhất nói trên cũng như hậu quả của sự coi nhẹ nguyên nhân thứ hai, mỗi người đều có thể có động cơ vì hành vi bất lương. Đó là bản tính của loài người, không giới hạn ở người Trung Quốc. Nhìn lại quá khứ thấy, một thể chế học thuật không lành mạnh sẽ có thể đưa tới hậu quả và danh tiếng không tốt đẹp cho cả giới học thuật. Điều này là không công bằng đối với đa số học giả tuân thủ qui tắc.

Khi trình bầy các vấn đề nói trên, tôi biết rõ hàm nghĩa của các câu nói cổ như “nói dễ, làm khó”… Xem xét về lâu dài thấy rất nhiều loại hành vi bất lương đó sẽ có thể tự mất đi (rốt cuộc thành La Mã không phải được xây xong trong một ngày). Tất nhiên do sự cố gắng của mấy thế hệ người, giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc đã đi được một đoạn đường rất dài, mọi người đều cùng có thể giữ thái độ lạc quan đối với tương lai, điều khiến tôi lo lắng là hiện nay một thế hệ nhà khoa học và công trình sư đang được giáo dục, nếu nhìn thấy rất nhiều hành vi không bị trừng phạt và ràng buộc, tự bọn họ có thể bị truyền nhiễm. Thế là, thời gian tự khỏi sẽ kéo dài, thời gian Trung Quốc giành được địa vị ưu thế trên vũ đài khoa học kỹ thuật thế giới sẽ bị kéo dài hơn nữa.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

Một giáo sư hướng dẫn chỉ đạo quá nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ (30-100 người). Điều này có khả năng là một sản phẩm khác nữa của chỉ tiêu định lượng thành tựu học thuật. Chỉ đạo nghiều nghiên cứu sinh đến thế, khó có người nào hoàn thành nhiệm vụ. Nếu một giáo sư muốn tích cực công tác cùng học sinh, thông thường chỉ nên chỉ đạo tối đa năm, sáu nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Phát biểu nhiều lần một luận văn sau khi chỉ sửa chữa chút ít. Kết quả của việc làm này là số lượng luận văn phát biểu trong năm sẽ tương đối nhiều lên, nhưng không thể lừa được giới học thuật và đồng nghiệp. Làm như vậy không những làm cho danh dự của các học giả Trung Quốc bị tổn thất trong giới học thuật, xuất bản quốc tế mà xét về lâu dài, cũng chẳng có cống hiến gì cho địa vị học thuật của một người nào đó.

Một bản thảo, gửi đi nhiều nơi, nhằm gia tăng cơ hội phát biểu. Nhiều tạp chí đã nghiêm cấm việc làm đó, nhưng nhiều học giả Trung Quốc vẫn coi là không có qui định này.

Ăn cắp. Biểu hiện là đề tên mình trên tác phẩm của người khác với nhiều hình thức như không dẫn nguyên văn, rút ngắn hoặc thêm bớt đôi chút vào nguyên văn... Làm như vậy vì tin là người quản lý không thể biết được những sai khác đó, và cũng còn là vì trình độ giám sát học thuật kém.

Không bảo mật thư giới thiệu. Tại các nước phương Tây, khi bầu chọn người cho một chức danh hoặc một hạng mục khen thưởng, thông thường Ủy ban xét duyệt trực tiếp yêu cầu người giới thiệu viết thư và người viết phải hứa bảo mật. Nhưng cách làm của Trung Quốc là người ứng cử lại tự mình đi thu thập những bức thư đó về nộp cho Ủy ban xét duyệt. Hoặc trong trường hợp được Ủy ban xét duyệt yêu cầu giới thiệu, người giới thiệu cũng không hứa bảo mật. Điều này đã làm cho toàn bộ quá trình và ý kiến về chất lượng (đánh giá của đồng nghiệp) đối với thành quả học thuật quan trọng nhất về bản chất đã biến thành vừa vô dụng vừa mất ý nghĩa.

Đặc quyền và khen thưởng của viện sĩ. Ở nhiều nước phương Tây, gồm cả Mỹ, được bầu làm viện sĩ là một vinh dự, nhưng chỉ thế mà thôi - không có khen thưởng, bất kể là tiền bạc hay các mặt khác và cũng không có đặc quyền xã hội trực tiếp nào khác do có vinh dự này. Nhưng ở Trung Quốc, ngoài vinh dự của tên gọi ra, viện sĩ đã được nâng cao lên vị trí không bình thường. Sự thực là có tin đồn đã xuất hiện hoạt động tranh cử tích cực, thậm chí công khai hoặc ngầm hối lộ. Loại trực tiếp kết nối giữa vinh dự học thuật và lợi ích vật chất, giữa đặc quyền và quyền lực này đã dẫn tới có nhiều hơn nữa, động cơ không lành mạnh nói trên.

Rõ ràng là, trong giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc còn tồn tại một số vấn đề về thể chế nữa và đang phải tìm kiếm một số biện pháp đối ứng, Tôi không phải là chuyên gia của mặt này. Nhưng điều quan trọng là tầng lớp lãnh đạo phải gánh lấy nhiệm vụ cải tiến thể chế này.

Bất kể là trong trường hợp công khai hay riêng tư, tôi luôn nói: cho dù bất cứ lúc nào người ta đều có thể nhìn thấy những việc không hợp lý và không hợp logic tại Trung Quốc, nhưng từ năm 1979 tới nay, những thành tựu mà Trung Quốc giành được là chưa hề có. Vì vậy mỗi khi nói ra cách nhìn của mình tôi đều tràn đầy nhiệt tình và phải qua dụng tâm gian khổ. Những ý kiến tôi đề xuất và mong được dùng đó nhằm làm cho Trung Quốc ít phải đi đường vòng trong tiến trình phát triển. Hơn nữa, tôi còn chút riêng tư, là mong rằng trong đời mình có thể thấy được Trung Quốc trỗi dậy trong rừng cây dân tộc thế giới. Đó là niềm tin của tôi và cũng là kỳ vọng của người Hoa trên toàn thế giới.

Xin gửi lời chúc tốt đẹp!

Ngày 27 tháng 11 năm 2005.


Tôn Kiện, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về ngành công nghiệp vệ tinh, tên lửa, được đào tạo từ Liên Xô. Là viện sĩ nước ngoài của Nga, Thụy Điển, Mỹ…

Hà Cao Kỳ, chuyên gia người Mỹ gốc Hoa, sinh năm 1934 tại Thượng Hải. Năm 1961 nhận bằng tiến sĩ toán học ứng dụng tại trường Đại học Harvard Mỹ, sau đó luôn dạy môn học này tại trường. Tháng 6 năm 2000 được bầu làm viện sĩ nước ngoài của Viện Công trình Trung Quốc

Xin chú ý ngày gửi bức thư (năm 2005) và thời gian công khai bức thư (2008).


Bản tiếng Việt © 2008 talawas

CAO HUY KHANH

TƯỞNG NIỆM SƠN MỸ (16.3.1968)

NGƯỜI SỐNG SÓT 2 LẦN

Tượng Đài Sơn Mỹ (ảnh baodaidoanket.net)

Cao Huy Khanh

Sống sót lần đầu từ vụ thảm sát Sơn Mỹ, ấy là trường hợp của Đỗ Hòa một trong số ít người sống sót nhờ lính Mỹ tưởng rằng… đã chết! Lần sau thì sống sót và tồn tại được sau khi bị… đi tù đến 3 lần!

Lần đầu lúc đó Hòa mới 9 tuổi nhờ nằm dưới một lớp xác chết – trong đó có thể có cả mẹ và 3 đứa em – nên tránh được đạn bắn, sau đó vùng dậy chạy ra ngoài thì may sao được 2 viên phi công Mỹ Hugh Thompson và Lawrence Colburn cứu đem lên trực thăng đưa về bệnh viện cứu chữa. Nay anh vẫn còn sống và từ đó người ta còn biết thêm được cả một quãng đời còn lại sau này của anh trong đó có lúc gần như cũng… suýt chết thêm một lầøn nữa - theo một cách khác.

Thực ra ở vụ Sơn Mỹ, Đỗ Hòa hoàn toàn không bị bắn một phát đạn nào cũng không chịu một vết thương nào mà máu me dính trên người là máu của các… thây người đè lên mình nên khi được 2 ân nhân Mỹ cứu mạng đem vào bệnh viện Chu Lai (và nghe nói định đưa qua Mỹ luôn), anh đã bỏ trốn về nhà tìm xem mẹ và các em thế nào. Dù còn nhỏ song anh vẫn tìm được đường về nhà nhưng đến nơi thì chẳng còn gì kể cả người thân lẫõn gia đình. Ngoài mẹ và 3 em bị bắn chết tại Sơn Mỹ, cả ông nội, cha, chú, cô ruột đều theo Cách mạng lần lượt hy sinh hết nên cuối cùng anh phải qua ở với ông bà ngoại ở gần đó cho đến ngày Giải phóng.

Sau 30.4, Đỗ Hóa học tới lớp 7 được Nhà nước “phát hiện” đưa đi Đông Đức năm 1978 làm công tác chứng nhân tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ. Nhưng sau đó được trả về Quảng Ngãi trở lại nếp sống bình thường, thấy ôâng bà ngoại làm lụng vất vả quá mà cũng không chịu được cảnh nghèo khổ cùng quẫn (khác hẳn với lúc đi Đông Đức đóng vai trò chứng nhân lịch sử) mới sinh lòng chán nản bỏ học vào TPHCM đạp cyclo. Chế độ quan tâm trợ giúp thuơng binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam ngày nay còn chưa tới đâu huống gì thời đó trường hợp như Hòa dễ dàng rơi vào quên lãng thôi.

Tại TPHCM rồi Hòa cũng lấy vợ (cũng là con mồ côi nhà nghèo quê ở Nhà Bè làm nghề thợ hồ) có được một con 3 tuổi. Nhưng được một thời gian không kham nổi nghề đạp cyclo cực nhọc xứ người (mà phải có tiền mua hoặc thuê cyclo mới có mà đạp) bèn bỏ nghề sốâng kiểu dân bụi đời lang thang vạ vật qua các công viên. Túng quá hóa làm liều… trộm cắp… bị bắt ở tù 9 tháng năm 1987!

Ra tù cũng chẳng giải quyết được chuyện gì khi vợ Hòa đã ôm con bỏ đi, muốn về quê thì không có tiền, thế là ngựa quen đường cũ… ở tù tiếp 18 tháng năm 1988 cũng vì tội trên. Đến 1992 lại ra tù và lại… vào tù nữa mà lần này với tội danh nghe khủng hoảng hơn nhiều: Tội phá hủy công trình, phương tiện an ninh quốc gia! Thực ra đó là tội cùng một dân bụi đời khác cắt… dây điện ở trụ điện đem bán đồ lạc-xon lấy ít tiền xài nhưng luật pháp thời đó chỉ có điều khoản này để ghép vào nên rốt cuộc Hoá lãnh án tới 10 năm tù.

Ở tù thui thủi một mình nhiều năm dài mà hoàn toàn không có ai biết tin thăm nuôi bởi ruột thịt chỉ còn ông bà ngoại già cả ở quê xa chẳng thể biết đứa cháu lạc loại nay ở nơi đâu, tương lai mờ mịt như thế có khác gì lâm tới chỗ tuyệt vọng cùng cực chết đi cho xong?

May mắn đến năm 1998 vẫn còn nằm trong nhà tù nhưng nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, có nhà báo cùng quê Quảng Ngãi đã truy tầm ra tung tích Hòa đưa lên báo nhờ đó sau khi mãn án tù thứ ba (chắc có được ân xá giảm án?), Đỗ Hòa được giúp đỡ làm lại cuộc đời trở thành công nhân ở TPHCM nay đã lấy vợ khác sinh được một con trai.

Có phải đúng là một con người sống sót 2 lần không, lần đầu từ chiến tranh, lần sau từ… sau chiến tranh? Sau khi là nạn nhân “bị chỉ định” của chiến tranh (lệnh quân Mỹ “Giết hết không tha”) lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của… hòa bình trong một thời Hậu chiến đầy mâu thuẫn dằn xé tan nát không ít số phận cuộc đời…

(Trích “Việt Nam – Hồ sơ Hậu chiến”)

CHK, tháng 3.2008

* Tư liệu tham khảo: “Ký sự pháp đình” của Thủy Cúc, báo Tuổi Trẻ xb 1996; báo Thanh Niên 16.3.2008…

Nguyễn Thượng Hỷ

CÀ PHÊ QUÁN CÓC VÀ TRANH VAN GOGH


Hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Xem tranh Van Gogh danh hoạ người Hà Lan vẽ quán cà phê trên vỉa hè đường phố nước Pháp, lòng tôi bỗng xao xuyên trước cảnh tập nập nhưng trật tự và lịch sự đó. Trong không gian se lạnh, một tách cà phê nóng và điếu thuốc lá thơm nhìn ngắm nam nữ dập dìu, ai dám nói rằng quán café vỉa hè không sang trọng… Phải nói rằng chỉ có ở Việt Nam mới tồn tại loại café vỉa hè.

Tôi có dịp ở Nhật 6 tháng, tranh thủ tìm không gian rộn ràng như đi hội để thưởng thức ly café ở đây nhưng không có. Có lẽ không gian café ở Pháp đã du nhập vào nước ta như xem bức tranh của Van Gogh vẽ quán café Tabac thì thấy đó là khung cảnh quán café bên lề đường thường thấy ở Việt Nam.

Trước đây ở Huế có rất nhiều quán café học sinh, sinh viên thầy giáo, công chức đến các anh xích lô, thợ hồ, thợ mộc, người dân lao động tha hồ chọn quán. Đa số các quán mọc bên đường, góc ngã tư, góc ngã ba, người uống café ngồi thường chiếm luôn vỉa hè nhưng ngưòi đi bộ chẳng lấy gì làm phiền hà. Hồi đó từ năm 1965 - 1972, ở Huế quán đứng đầu café Lạc Sơn, café Phấn ở phố Trần Hưng Đạo; xuống một chút là café Thọ ở chân cầu Gia Hội; trong thành nội có quán café Tôn gần cổng Hiển Nhơn của Hoàng thành, sau đó có cafe Bà Dì mà sinh viên trường Nghệ thuật (Âm nhạc - Mỹ thuật) hay uống vì các quán này đều có bán các món điểm tâm như xôi, bún … hợp với túi tiền sinh viên chúng tôi. Ngày trước ở Huế có vài quán café khá dễ thương thu hút nhiều bạn trẻ sinh viên như Da Vàng, Góp Gió ở bên đường Lê Lợi thơ mộng, vào trong Thành Nội có quán Dung, Chiều Tím, Vông Vang, Khánh Quỳnh … Có cả một quán café được nhóm sinh viên lấy tên nhân vật nữ nổi tiếng trong “Tiếu ngạo giang hồ” là Doanh Doanh, một quán lấy tên mỏ dầu ở biển Đông miền Nam “Hoa Hồng Chín”. Sau này nhiều quán được giới trẻ - nhất là các sinh viên từ nam ra, từ bắc vào - rất thích ghé vào như dãy quán ở Đập Đá, dãy quán ở đường Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Huệ.

Ở Đà Nẵng có quán café Xứng, café Thành Long ở chợ và bến xe luôn luôn đông khách dân lao động. Ngoài ra còn café Lộng Gió, Tuổi Ngọc. Vào phố cổ Hội An, tôi lại thích vào quán café Chanh mà hiện nay vẫn còn như linh hồn phố cổ. Lên Đà Lạt thì vào quán của các văn nghệ sĩ là café Tùng, một quán nhỏ nhưng rất ấm cúng, trang trí một số bức tranh của hoạ sĩ Đinh Cường, Nguyên Khai. Quán này đã được nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đưa vào Tiểu thuyết “ Hình như là tình yêu ”, tác phẩm được dân café trẻ ưu ái đón nhận một thời.

Uống café thường đem đến cho ta nhiều cảm giác, nhất là đối với người đi xa khi đến thành phố khác… Vào Sài Gòn trước 75 uống café vỉa hè ở đường Pasteur, đông nhất ở cổng trường Lasan Tabert hay café Duy Tân (tên đã được nhắc đến trong một ca khúc). Sang trọng hơn là vào quán hộp La Pagode, Rex ở đường Tự Do.

Ra Hà Nội năm 1985, ghé quán café Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân là quán nổi tiếng vì treo nhiều tác phẩm của danh hoạ Vịêt Nam từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Xuống Hải Phòng mùa hạ thành phố ngợp hoa phượng đỏ thì nên nhâm nhi ly cà café ở chợ Sắt. Nhưng thú vị nhất, chỉ mới đây thôi qua Phú Yên, xe ngừng chạy đêm, uống ly café ở bến xa thành phố Tuy Hoà, giá chỉ một ngàn rưởi nhưng thật ngon. Hồi chưa có cầu bắc qua, khách ngừng đợi ở Bến Thuỷ, Phà Gianh, uống ly café đen nóng với có một chút bơ ở đầu muỗng và thêm một chút muối cũng gây ấn tượng về khẩu vị riêng. Hình như ở Việt Nam các quán café ở ga tàu, bến xe đều dễ uống, cũng dễ hiễu thôi vì giá rẻ.

Bây giờ thì nhiều quán café quá! Nhất là loại quán café hộp, cafeteria, café Bar, café Vườn. Nhiều người kinh doanh quán café ngày nay, dường như đang rất “hot”, là “mode” thời thượng, sính được mở quán café ở trong khu vườn được cải tạo biến hoá nhờ bàn tay nghệ sĩ, nghệ nhân vốn là những người tạo dáng sinh vật cảnh rất hiệu quả. Những quán này chỉ thu hút khách vào hạng đại gia lui tới thôi.

Tôi có cô bạn người Nhật khi vào quán café vườn thắc mắc hỏi tôi vì sao bây giờ từ Bắc vào Nam thấy quán café nào cũng chơii nghệ thuật sắp đặt? Từ cái lu, vại nước, cối đá đến cái xe nước chạy môtơ điện và dĩ nhiên thêm hòn non bộ, suối chảy, tre chuối trồng ven hồ thì không thể thiếu, vài quán còn dùng tre làm chụp đèn hay mua mấy chục cái đèn lồng tại phố cổ Hội An về trang trí từ ngoài cổng vào đến bên trong quán, ra cả ngoài vườn. Cô ta hỏi tiếp phải chăng đây là “phong cách Việt”? Gần đây mấy đại gia sành điệu mua vài cái nhà rường ở miền Trung - chủ yếu ở Huế, Quảng Nam - về đặt ở trung tâm thành phố mở café để câu khách mang nỗi niềm “thương nhớ quê nhà”. Cô bạn Nhật của tôi là kiến trúc sư rất hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam lại cắc cớ chất vấn tôi “Nghe ông nói nhà ba gian với gian giữa linh thiêng thờ cúng, còn hai gian bên chỉ có đàn ông mới được nằm nghỉ nhưng tại sao lại trở thành quán café ầm ĩ quá vậy?”

Tôi lắc đầu chào thua!

NTH, tháng 2.2008.