Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

khao luan6

Theo talawas

Chân dung Nguyễn Du

1 2 3 4 5 6

Phạm Thếng
Tiếng khóc Tố Như



Năm Minh Mệnh nguyên niên tuế thứ Canh Thìn, tháng 8 ngày mồng 10, tại kinh thành Huế, tắt nghỉ nhà thơ mà sự nghiệp còn lưu lại hậu thế mãi mãi, như một gia bảo làm say sưa và hãnh diện con cháu, nhưng đôi khi cũng như một ám ảnh đè nặng lên tâm tư nhiều người.

Tương truyền khi lâm chung, Nguyễn Du có khẩu chiếm hai câu thơ:


Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Chúng ta mạn phép nghĩ rằng ví thử linh hồn người còn phảng phất ở cõi cửu u, chắc cũng đã nhiều phen được hả hê đối bao nhiêu hương sùng bái của quốc dân bấy nay.

*


Vinh dự cuối cùng [1] vừa dâng cho người có lẽ là "Một tháng diễn thuyết về truyện Kiều" của Trường Cao đẳng Sư phạm. Thật là vĩ đại! Chẳng rõ các quý cụ có phát minh được điều gì mới lạ gớm ghiếc không?

Còn gì nữa? Ba ngàn câu thơ, một thế kỷ rưỡi, cày đi xới lại, ngâm, vịnh, lẩy, tập, thêu thùy lý thuyết, thưởng thức tán dương. Kẻ chê bai cũng có nhưng càng chê càng nâng cao tác phẩm bởi vì đã có kẻ chê tất nhiên phải có kẻ đứng ra bênh vực, tìm ra nhiều khía cạnh khác để tán dương thêm lên.

Từ những lời như hoa như gấm của các nhà Nho đến những lời lẽ như dao như kéo của lớp tân học. Từ những bài bình luận thí sinh non nớt vụng dại đến những thiên khảo cứu giáo sư uyên bác tinh vi. Thưởng thức một mình chán lại đem ra công cộng diễn thuyết, tung lên mặt báo tranh luận. Ôi những cuộc tranh luận về truyện Kiều từ khi văn đàn của nước ta có báo chí! Còn đề tài nào phong phú bằng, hào hứng bằng, lúc nào cũng có thể khơi ra, nhân một chi tiết nhỏ nhặt nhất, một câu, một chữ, một chủ từ, một dấu phẩy. Và lúc nào cũng thấy những cây bút đầy thiện chí sẵn sàng xông vào.

Người ta còn nhớ, nóng hổi, cuộc đấu bút nẩy lửa bốn năm trước đây ở Hà Nội, nhân phần tư một câu Kiều, giữa một nhóm học giả uyên bác hạch sách nhau nào không biết tra tự điển, nào không biết cưỡi ngựa. Bấy nhiêu om sòm để lại chẳng làm mỉm cười người nơi chín suối ư?

Xưa thì, nói theo kiểu Trần Trọng Kim, từ kẻ ngu phu ngu phụ đến bậc hiền nhân quân tử, nay từ cậu học trò nho nhoe dọn cái bằng trung học đến những ông lớn thông thái ngồi ở bộ, không ai là không biết ba chữ Kim Vân Kiều. Từ một câu chuyện "chắp nhặt dông dài" làm lúc trà dư tửu hậu, để cho thiên hạ mua vui những trống canh thừa, mà nay công nhiên vào cửa lớn, ngồi chủ vị, chiếm một phần ba chương trình, thành kính giáo huấn cho cả một giai cấp văn bằng. Chẳng là một vinh dự quá ý ước muốn của tác giả ư?

Vinh dự ấy lại vượt cả bây giờ, toả ra quốc tế. Những ông Tây thực dân sang khai hoá xứ này trước kia đều biết danh một nàng Kiều sắc nước hương trời. René Craysac uốn tóc mặc "jupe" cho nàng, định dắt nàng về Tây làm gia bảo. Chẳng đợi người ta tìm đến, các học giả Annam sành chữ Pháp đã vinh hạnh làm cái công việc rước nàng ra giới thiệu với khách Lăngsa. Lại mới đây, gần kề đây, Vương Thuý Kiều lại được cái hân hạnh vô song được một ông tổng trưởng kim sinh viên, ministre étudiant (danh từ của Cung Giũ Nguyên trong La Conscience matheureuse chez Nguyễn Du) là ngài Trần Cửu Chấn gợi lại bóng dáng diễm huyền (nói theo kiểu tuồng Kim Chung) trước toà khảo quan đạo mạo trong Viện Sorbonne. Vẻ vang thay! Giờ đây chắc chắn phải đến lượt bọn tân học hậu tiến giới thiệu với những ông bạn người Mỹ. Nên lắm thay!

Tóm lại thì thi phẩm bất hủ của Nguyễn Du đã nghiễm nhiên trở thành một trong những danh tác đã, theo lời của một nhà văn Pháp, Jean Cocteau: "Vượt qua ngục thanh tẩy (purgatoire) và bay lên trời đứng im, bất động, cho đời đời chiêm ngưỡng".

*


Tôi thường khi những đêm mưa gió, pha trà Thiết quan âm đốt hương Ngọc long diên, ngồi đọc Kiều. Tư tưởng con người như thế, gặp cảnh ngộ như thế, rồi qua tiếng tơ đồng thầm lặng, cầu bóng dáng lạc trong thiên cổ, thì thấy mảnh hồn thơm như quanh quất đâu đây trên nóc, bên thềm mơ màng đồng vọng. Nhưng mà thảng thốt "Chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu". Giật mình, lại chỉ thấy giấy trắng mực đen, sờ phải những câu thơ rời rạc lổng chổng như những bộ xương. Mình mình trường dạ, nào hồn Tố Như?

Tố Như tử có được người ta khóc không?

Truyện Kiều có được người ta hiểu không?

Đó là những câu hỏi mà tôi thường tự hỏi mỗi khi xảy ra những vụ tranh luận hoặc viết lách tiếng tăm về truyện Kiều. Nhất là những cuộc bút chiến, chi li tế toái cùng nghĩa tận lý, tuy nhiên kết cục bao giờ cũng treo lửng vì không ai chịu ai, ai cũng có lẽ của người ấy. Tôi bèn lẩn thẩn nghĩ rằng giá ta có thể làm thế nào, dùng thuật đồng thiếp chi chi, mà làm cho tác giả hiện về mươi phút lên tiếng trọng tài thì khoẻ biết mấy cho tụi chúng ta.

Tôi lại lan man nghĩ rằng chúng ta nên cẩn thận ngay từ giờ, nhắn nhủ các thi bá, văn hào nào sắp đi vào vĩnh cửu hãy ngồi lại chịu khó chú thích kỹ càng văn thơ các ông để cho sau này hậu thế khỏi nhọc công cãi nhau khám phá ý văn cùng nỗi lòng các ông. Nên bắt chước thi sĩ Tản Đà. Người in thơ mình ra lại kèm cả lời giải, lời bình: "Hay ở chỗ đó, hay là như thế. Đến thế là tuyệt, tuyệt đó!" Tuy nhiên lại có điều phiền là những chỗ những bài thi sĩ cho là hay là tuyệt đó, vị tất độc giả ngày nay đã đồng tình. Sự tuyển lựa của người ngày nay sự thật đã hướng về những khía cạnh chắc chắn thi sĩ không ngờ tới.

Cho nên rút bài học gần kề ấy, tội "lại bèn nghĩ lại" rằng ví thử tác giả truyện Kiều có tái sinh mà lên tiếng trong cũng cuộc tranh luận, vị tất đã được người ta nghe theo. Một việc hình thức cỏn con đủ hiểu, là việc trước đây mấy cụ sửa văn Kiều: "Thế này mới đúng mới hay, thế ấy là nghĩa lý quái gì!". Mỗi cụ lại đều có cái hay cái đúng của mình. Cho nên có thể chắc chắn ta ví thử Nguyễn Du có trở về mà lên tiếng, cũng chẳng dồn được vào im lặng những cây viết chủ quan và háo thắng. Người trước mắt còn khó thông cảm nói chi kẻ xa xôi nằm trong thiên cổ. Một câu một chữ còn như vậy, nói chi lý thuyết sâu xa.

Cho nên ngẫm nghĩ tôi lại càng thêm hoài nghi mà tự hỏi: Truyện Kiều có được người ta hiểu không? Tố Như có được người ta khóc không? Trong hơn một thế kỷ nay từ khi tác phẩm ra đời, nào những ai đã cảm truyện Kiều? Mà trước sau bởi những duyên cớ ra sao?

*


Cuối triều Nguyễn, các nhà Nho có nói đến Kiều khi thì để ngông nghênh một "lão Viên già", khi thì để xỏ xiên một "con đĩ Đạm", khi thì để đổ tất cả tội lỗi lên đầu "hoá công". Chỉ là gửi gắm bóng gió, mượn trống để động phách. Sang thế kỷ này phong trào các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim xướng ra, đề cao Kiều, chú giải Kiều, diễn thuyết Kiều tất nhiên nhằm một chủ ý. Các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đả kích Kiều cũng vì một ẩn ý riêng. Nguyễn Bách Khoa đả kích tất cả, lại nhằm một chủ ý rõ rệt hơn cả. Cho đến chúng ta ngày nay, bọn học trò nhai Kiều để đi thi, các ông thầy đồ mài Kiều làm kế sinh nhai, mấy ông tiến sĩ vác Kiều đi lòe thiên hạ đặng kiếm mảnh bằng về lòe bà con (để rồi lại vất Kiều vào xó tủ cho bụi phủ nhện chăng). Từng thời đại, từng đoàn thể, từng cá nhân xông vào Kiều, khác chi một phường bấu xấu, khi để kiếm lợi, khi thì cầu danh. Nào ai đã thực bụng yêu Kiều? Nào ai đã khóc Tố Như?

Của đáng tội, cũng có đôi khi chẳng vì lợi mà còn vì tình. Nhưng đây nữa, dù vì tình chăng nữa, thì cũng chỉ là vì mình, vẫn vì một ý chủ quan. Người ta phóng đại một nét son người ta ưa, nhấn mạnh vào một nốt nhạc người ta thích, có khi tưởng tượng hẳn ra một hương thơm người ta yêu. Chung quy chỉ là – mượn chữ họ Chu – "bán không chi tưởng" cả. Giằng đi kéo lại, vo tròn bóp méo, nào ai đã biết Truyện Kiều là cái chi chi?

Điều đó đáng trách, đáng la không? Không. Bởi vì chẳng qua là cái định luật cái số phận chung của các danh tác văn chương.

Kléber Haedens nói rằng những danh tác văn chương chẳng phải như lời Jean Cocteau, một khi bay lên trời là đứng im bất động. Trái lại, "chúng gặp gỡ nhau, cải dạng do ảnh hưởng thời gian trôi qua và cũng tùy thời gian trả lời vào những câu hỏi khác nhau, đưa ra những lời nhắn bảo nhau".

Có thể nói những danh tác giống như những tấm gương sáng treo cao, hậu thế ngẩng lên nhìn vào và càng sùng bái nồng nhiệt khi thấy hình ảnh mình trong đó hùng tráng hoặc bi đát, đáng trọng hay đáng thương. Còn như đàng sau tấm kiếng có gì, ai lo biết đến? Ai cần biết đến? Mà đã dễ biết được sao?

Ai đã bảo quyển sách cũng như cái quán trọ Y Pha Nho, độc giả thấy ở đấy cái gì mình đem đến. Có thể nói nó như tình trường, người ta nhìn ra cái gì người ta ưa. Anh chàng si tình quỳ dưới chân người yêu ngước đôi mắt say sưa lên, khám phá ra nào suối tóc, nào giếng mắt, nào trời trán, nào biển miệng, nào núi mũi. Nhưng mà tất cả những thức ấy, mỹ nhân đã có từ khi lọt lòng mẹ, mỹ nhân vẫn ăn vẫn ngủ, mỹ nhân nào biết gì đâu? (Ví thử mỹ nhân có một linh hồn mà tình lang muốn tìm vào dễ đã được đâu?) Chung quy toàn là những cái "tưởng thấy" bên ngoài cả.

Nhưng mà thôi đi "triết gia!". Đừng làm cho chúng tôi mất thú vui. Cái gì ở đời này chẳng là "tưởng thấy", tán tụng, hoan hô, ái tình và sự nghiệp, tất cả mật thiết, văn chương. Nhưng mà là những cái tưởng thấy cần thiết. Nó tô điểm cho cuộc đời. Nó là lẽ sống.

*


Thế thì bữa nay, bước vào năm thứ 138, sau ngày thi hào tạ thế, chúng ta đốt nén hương lòng, dâng niềm kính nhớ, chúng ta còn có thể tưởng thấy những gì đây?

Trước hết mường tưởng bóng dáng một con người vô cùng cao nhã và lịch lãm "gặp phải thời ấy, bước vào cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố trước mặt, chồng chất những khối lối trong lòng mới phải mượn bút mực để chép ra" (Lời tựa của Thập thanh thị).

Con người ấy chắc phải đau khổ lắm mới lấy hai chữ "Đoạn Trường" mà đặt tên cho thi phẩm thân yêu như thế. Con người ấy chắc phải tha thiết với nhân sinh lắm mới khi đã sắp trả hình hài cho cát bụi, mà còn thốt ra những lời thơ đầy nước mắt nhân thế như vậy.

Và ngày nay cách nhau thiên cổ, đọc lại câu chuyện kiếm gãy hoa rơi ấy còn có thể thấy gì đặng cảm động chúng ta?

Đất nước chúng ta cũng vừa trải qua hơn 10 năm ly loạn. Biết bao nhiêu nàng Kiều sẩy chân lìa nhà, lạc vào vòng giáo dựng gươm trần, kề lưng hùm sói, ê chề phấn son. Bây giờ thanh bình trở lại, nếu may mắn thoát hàm rồng cá, chẳng hay trên giải đất tự do này đã tìm được những chàng Kim đủ hào hiệp để băng bó vết thương lòng chưa?

Có thể nói cả dân tộc Việt Nam ta, trong giai đoạn vừa qua, cũng là một nàng Kiều mà Việt Cộng chính là tên Mã Giám Sinh mày râu nhẵn nhụi đã một sớm lợi dụng cơn gia biến sấn tới lôi đi.

Rồi thì:


Thoắt buôn về, thoắt bán đi
Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương!


Cho đến ngày nay ác mộng đoạn trường xem đã liễu. Dưới ánh sáng miền Nam, phải chăng hết cơn bĩ cực đã đến tuần thái lai?

Nhưng mà nghĩ lại thì:


Bấy chầy gió táp mưa sa


trăng đã khuyết, huê đã tàn, quả mai đã qua kỳ ba bảy. Cho nên gốc hòe chồi quế, mở mắt với đời về sau, ấy là trông mong tất cả vào "con em nó" ở miền Nam này đó!

*


Đinh Hùng
Người thơ thuần tuý Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Lời thơ khẩu chiếm của thi sĩ Nguyễn Du trước khi nhắm mắt lìa đời, hơn một thế kỷ rồi, vẫn còn như một dư âm quen thuộc của bản nhạc nào chưa dứt.

Bản nhạc lớn dội về từ quá khứ, rung lên từ một tấm lòng người – tôi muốn gọi đó là "Tiếng Vọng Tố Như", tiếng vọng thiết tha truyền cảm nhất trong ngôn ngữ Thi Ca Cổ Điển – không phải chỉ chứa đựng cái tâm sự gió mưa của một thế hệ, mà kết đọng cả nỗi lòng dâu biển của kiếp nhân sinh từ thiên cổ; không phải chỉ góp "thêm một tiếng nói đứt ruột" vào cái nhịp sống khắc khoải thời Lê Mạt Nguyễn Sơ, mà người thơ đã tận nhập hẳn vào thinh không nghìn vạn thuở, để gieo lại những âm đàn linh ứng, giao hưởng với tất cả những tấm lòng còn ấm nóng cũng như với những hồn ma vất vưởng trong đêm dài mênh mang.

Tôi muốn nói: "Tiếng Vọng Tố Như" không phải chỉ có "Đoạn trường tân thanh" mới đáng kể là tiêu biểu mà còn có "Văn tế thập loại chúng sinh", tức Thơ Chiêu hồn. Tuy ảnh hưởng thực tế không lan rộng như truyện Kiều, nhưng tầm quan trọng của áng thơ nhất khí này không phải vì thế mà kém truyện Kiều.

Vả lại, giữa hai áng thơ kiệt tác, không có vấn đề hơn kém giá trị. Cả truyện Kiều cùng Văn tế thập loại chúng sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người toàn vẹn của Nguyễn Du. Và phải có cả hai, Nguyễn Du mới thực là Nguyễn Du. Sắc thái "cây bút thần Hồng Lĩnh" mới thực toả hết cái ánh sáng xuất thần của "viên ngọc liên thành không vết" [2] và sắc diện linh hồn của người thi sĩ thuần tuý mới thể hiện rõ những đường nét phiêu diêu khiến cuộc đời hôm nay còn ngưỡng mộ.

Thử đặt giả thuyết: Nếu tác phẩm chữ nôm của Nguyễn Du không có Đoạn trường tân thanh, tất nhiên cõi đời đã từ lâu thiếu mất một nguồn an ủi bao la; những người sống trong cái thế gian thực tại này, đã thiếu rất nhiều dịp để rung động hoà điệu cùng tiếng đàn Tố Như, để thương yêu, sầu cảm, thở than cùng tiếng đàn Tố Như. Văn học sử Việt Nam đã thiếu mất một viên ngọc quý giá, tuy rằng với một Thơ Chiêu hồn, Nguyễn Du đã đủ chiếm được một chỗ ngồi độc đáo trên thi đàn, đủ trở nên bất tử (như Cao Bá Nhạ đã bất tử với một Tự tình khúc).

Thiếu Đoạn trường tân thanh quả thật là thiếu thốn lớn cho làng thơ cổ điển Việt Nam. Ngược lại nếu Nguyễn Du chỉ tạo nên một Đoạn trường tân thanh mà không sáng tác Thơ Chiêu hồn, có thể danh tiếng Nguyễn Du vẫn không suy giảm, cõi đời cũng không ai bị mất mát thiếu thốn gì… Những người sống vẫn sống yên ổn. Những người viết văn học sử vẫn có nhiều tài liệu khác đủ chứng minh cho cái vốn tinh thần phong phú của dân tộc. Nhưng, bao nhiêu cô hồn lạc loài phiêu bạt giữa thời gian vô tận ở cõi u minh lạnh lẽo sẽ thiếu mất một Niềm Thương bát ngát dâng lên lời kinh cầu nguyện chí thành, một cung đàn từ bi mầu nhiệm gửi về "Thế Giới Bên Kia". Thiếu Văn tế thập loại chúng sinh, những "cô hồn thất thểu dọc ngang", những "đoàn vô tự không hương không khói", những "hồn đơn phách chiếc", những "hồn xiêu phách lạc", những "hồn đường phách sá", những "hồn mồ côi lang thang trong trường dạ", v.v. tóm lại, tất cả những "cô hồn nheo nhóc đang tìm đường hoá sinh trong cõi âm huyền mờ mịt" sẽ thiếu một nguồn Bác Ái tuyệt vời làm phương thuốc siêu sinh tịnh độ, thay giọt nước cành dương cứu khổ giải mê – ít nhất cũng thiếu một Bản Nhạc Giao Cảm dành riêng cho âm hồn.

Trên đường thiên cổ, những vong hồn không nơi nương tựa sẽ bơ vơ biết bao nhiêu! Và Thế Giới của Người Chết, nếu vắng cung đàn chiêu niệm của Tố Như sẽ còn thê lương tĩnh mịch đến chừng nào?

Nhưng Văn tế thập loại chúng sinh đã ra đời. Có nên nói rằng: May thay cho những cô hồn ở bên kia cõi thế, và may thay cho cả chúng ta, những người còn sống dưới ánh mặt trời hôm nay?

Bởi vì Thơ Chiêu hồn của Nguyễn Du ra đời thật là một nguồn an ủi xót thương không cùng cho những vong hồn đoạ lạc – trong số đó mai đây sẽ có thêm cả chúng ta, những người đang sống hôm nay.

Không phải duy tâm, tiêu cực, cũng không phải nói giọng bi quan, yếm thế. Đó là sự thật hiển nhiên: Mai đây, cả những con người duy vật nhất, những con người tự tin mình có tinh thần khoa học sáng suốt nhất, cũng như cả những nhà khoa học thực sự, cả chúng ta rồi cùng sẽ phải chết, và chết đi, rồi cũng "hoàn phản không hư".

Cõi không hư, mà tất cả loài người đều sẽ phải đi tới đối với những kẻ tin có linh hồn, đó là chỗ dung thân cuối cùng, khu vực cư ngụ vĩnh viễn (không phải như cuộc đời thực tại, chỉ đáng kể là nơi tạm trú dọc đường). Đó là Thiên Đàng, Cực Lạc, miền Thanh Tịnh vô biên, địa hạt trường sinh của Linh Hồn bất diệt, nhưng cũng có thể là Địa Phủ, Âm Thầy, là Ngục Ngã Quỷ, là cõi U Minh thăm thẳm, chìm đắm Hồn người vào giấc mê dài, ám ảnh hoang mang hơn hết mọi giấc mê. Trong ý niệm siêu hình về Cõi Chết, vẫn có hai sắc thái biểu tượng chập chờn sau màn sương linh giác, giao nhau trên hai bình diện: Thiên Đàng và Địa Ngục, nơi linh hồn được giải thoát (vì đã có công tu dưỡng Thiện Căn) và nơi linh hồn phải chịu đoạ đày (vì chưa rũ sạch Nghiệp Ác). Tùy theo trạng huống tinh thần, bình yên hay sóng gió, mỗi con người (có linh hồn) đều tự nhiên có sẵn một hình ảnh rực rỡ hay thảm sầu về cõi tịch diệt của đời mình.

Tuy bọn người "duy tâm" chúng ta – xin mạn phép gọi chung những người tin ở cái tâm bất diệt là "duy tâm", chưa ai biết đích xác hình tượng, kích thước cùng vị trí Cõi Chết ra sao, nhưng chúng ta vẫn linh cảm thấy cái Thế giới bên kia là có, và có thật, nhiều khi thật hơn chính cả hình hài chúng ta. Niềm tin tưởng đó cần thiết cho những người cần sống toàn vẹn, ham sống lâu dài, và khao khát sống đến tận cõi tinh tuý vi diệu của sự sống. Nếu không thì cuộc sống hôm nay của chúng ta, so với thời gian vô tuyệt ký, quả thật phù du, vô nghĩa quá!

Những con người duy vật sẽ bảo rằng: Chết là hết! Nhưng họ cũng chưa thể chứng minh bằng khoa học thực nghiệm cho ta nhận chân thấy Cái Không đó thật là Không. Vậy qua Thơ Chiêu hồn, chúng ta cứ nói đến cái chết và nói đến những vong hồn đang "sống" trong cõi chết, như nói tới những cảnh, những người quen thuộc. Chúng ta không cần thuyết minh với những kẻ thiếu lòng tin, những kẻ thật ra cũng đáng thương như đám cô hồn đoạ lạc, vì đã tự tay làm rớt mất linh hồn [3] .

Tôi chợt có một ý nghĩ tin tưởng: Văn tế thập loại chúng sinh của thi sĩ Nguyễn Du viết ra vì lòng thương xót những vong hồn u mê trót dại trên đường hoá sinh, nhưng chính cũng là những lời cảnh tỉnh thâm trầm gửi cho lũ người sống mê ảo của trần gian, những con người sống cũng như đã chết, hoặc đang chết dần chết mòn để rồi đi vào tiêu diệt, vì không sống bằng tim, không sống với hồn, không sống với cái ý niệm linh hồn trường cửu, không sống với cái hình ảnh Cõi Chết hiện sinh. Văn tế thập loại chúng sinh rất có thể chính là văn tế sống một lũ người chỉ còn vật chất, người mà thiếu mất cái phần tinh tuý nhất của Người là Linh Hồn.

Đó là tác dụng bất ngờ của Nghệ Thuật, mà chính tác giả thường cũng không lượng được trước. Nhưng trí tưởng tượng của Nguyễn Du phong phú quá, nguồn cảm xúc của Nguyễn Du mãnh liệt quá, thi tứ của người dạt dào lôi cuốn, cái tiềm lực sáng tạo thần linh hay cái ma lực huyền bí nào đã nhập vào người thơ, khiến ngòi bút của người trở nên xuất thần, quán thế, giữa không hư sống cho cả những vật vô tri, thổi tâm ý vào từng thể phách sắp tiêu tan, kết tụ lại cả những điểm tinh anh thoi thóp. Thơ Chiêu hồn của thi sĩ nói với những chết mà như sấm ngữ tiên đoán cả vận mạng những người sống; gửi về âm thầy cho ma sầu, lệ quỷ, mà cũng là gửi chung cho cả muôn vàn kiếp phù sinh đang nối gót nhau bước theo vòng nghiệp chướng luân hồi bất tận:


"Cầu Nại Hà kẻ trước người sau".


Đó là cái viễn tượng cuối cùng của tất cả những chết lẫn người sống, bức "kiến thần hoạ" trình bày một hoạt cảnh hiển linh bên kia cánh cửa huyền bí mà tác giả Chiêu hồn đã mở rộng trước mắt chúng ta.

Cái hướng truyền cảm của Thơ Chiêu hồn như vậy là đã khác với truyện Kiều, nhưng vẫn bổ khuyết cho Truyện Kiều, về phương diện triết học, đạo lý thuần khiết. Tầm quan trọng của Thơ Chiêu hồn đặt bên Truyện Kiều vì thế không thành vấn đề hơn kém. Nếu Truyện Kiều ví như một toà lâu đài uy nghi dựng lên giữa cuộc sống biến diễn từng lớp kịch nhân tình bi hoan, thì Thơ Chiêu hồn là một ngọn hải đăng cô tịch chiếu ánh sáng ngoài cửa biển đêm dài, soi đường cho những con thuyền lạc lõng trên sóng nước mù sương.

Mở đầu truyện Kiều, Nguyễn Du viết:


Trăm năm trong cõi người ta…


Mở đầu Chiêu hồn, chúng ta đọc:


Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác sương sa!
Lòng nào lòng chẳng tha thiết,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…


Không có "truyện" gì hết. Người ta chỉ thấy một không khí thê lương tê lạnh đến não người, cái lạnh như toát ra từ một tử thi, khiến người ta phát rùng mình. Và, chỉ thấy hiện ra trước mắt một cảnh sắc bàng bạc úa tàn chìm trong màn sương mờ mịt – tuy là khung cảnh trần gian nhưng đã mất hết sinh khí, bởi vì "cõi dương" ở đây có phảng phất cái hơi hám của "cõi âm".

Chúng ta đi vào thế giới của "Chiêu hồn" như đi vào chiêm bao, một chiêm bao dằng dặc thâu góp tất cả những giấc mơ linh ứng nhất của kiếp người. Lý trí chúng ta dần dần hôn mê như kẻ nhập "đồng thiếp".

Chúng ta không còn trông thấy cái bóng dáng của thế sự. Cuộc sống thực tế, cuộc sống xã hội, chính trị, tất cả mọi băn khoăn xao xuyến của kiếp sống MỘT THỜI đều nhoà đi trước cái chu tuần thời gian bất tận chuyển vần bao nhiêu duyên nghiệp trong vòng luân hồi truyền kiếp: Những "Hoài niệm Lê triều", "Giấc mơ Từ Hải", những tâm sự u uất về "Tài mệnh tương đố", "hồng nhan đa truân", những "hỷ, nộ, ai, lạc…" của một con người sống giữa nhiều con người khác, trước cái đối tượng con người, cả những thái độ "tự kỷ biện minh", "tự kỷ biện thể hiện" của tác giả, tất cả đều không còn là mối vướng bận ở đây, mà chỉ còn là ảo ảnh, là hồi thanh, dư hưởng, là biểu tượng, là âm ba… Và đó mới là tính chất của Thi Ca Thuần Tuý. Bởi vì tất cả đều đã gạn lọc, kết tinh, chìm lắng vào địa hạt kỳ diệu của trực giác, địa hạt linh ứng của tiềm thức – địa hạt vô cùng sáng láng của Cái Tâm siêu thoát, địa hạt siêu ý thức của Linh Đài.

Chúng ta gọi Thơ Chiêu Hồn của Nguyễn Du là một bài thơ thuần tuý. Nguyễn Du chỉ coi đó là một thứ "Văn tế thập loại chúng sinh".

Cái mạch truyền cảm của ngòi bút nhà thơ, từ trong ý niệm sáng tạo, trước nhất chỉ dành riêng cho những người chết, những linh hồn:


Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh.
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…


Niềm thương nhân thế của thi sĩ ở truyện Kiều dẫu sao cũng chỉ là một niềm thương có hạn. (Bởi vì chạnh thương thân phận mình cho nên mới thương chung nhân loại). Nhưng tình thương của người thơ ở Chiêu hồn thật là một tình thương mênh mang vô bờ bến. Một Nguồn Thương thanh tịnh bao la trùm lên trên tất cả mọi nghiệp chướng của kiếp phù sinh, một nguồn thương rộng lớn như tâm hồn uyên nhiên cao khiết của bậc chân tu, như tấm lòng từ bi xả kỷ của đức Phật.

Tất nhiên phải thấm nhuần Triết Học Phật giáo tới chỗ thâm viễn, Nguyễn Du mới sáng tác nên Chiêu hồn. Nhà phê bình văn học sẽ tìm mọi ảnh hưởng của nền triết học bi quan giao động trong tâm trạng nhà thơ, đồng thời sẽ căn cứ vào niềm khát vọng đạt tới Hình Nhi Thượng của thi nhân, để bảo rằng Nguyễn Du là một thi sĩ triết gia.

Tôi không nghĩ khác. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm với Chiêu hồn, Nguyễn Du là một triết gia thi sĩ, nhưng Nguyễn Du không dụng ý đặt thành một căn bản triết học hay tôn giáo. Thi sĩ mặc nhiên tin theo luật Nhân Quả Luân Hồi của Tiểu Thừa Phật Giáo, cũng như thi sĩ tin người ta có linh hồn sẽ bất diệt.

Nếu có những kẻ (duy vật) coi cái chết là chỗ tận cùng của kiếp người, thì trái lại, đối với tác giả Chiêu hồn, cái chết mới là khởi điểm của cuộc sống miên trường, ở trong cõi "Linh Hồn vị Linh Hồn" cái chết mới chính thức dẫn người ta tới con đường đoạ lạc hoặc siêu thoát. Bởi vậy Nguyễn Du đã nhìn thẳng vào cái chết, chiêu niệm lên những âm vọng, tha thiết kêu gọi các linh hồn, để gửi chung cho họ một lời cầu nguyện chí thành.

Tự nhiên, trong một tột độ cảm hứng, Nguyễn Du đã phát Bồ Đề Tâm, như một vị Phật Sống. Hay đúng hơn, phải nhận rằng: trong lòng Nguyễn Du đã có sẵn cái Tâm Ý của Thích Ca. Lời nói của nhà thơ tự nhiên cũng chứa đựng sẵn cái tinh tuý của bản thuyết pháp.

Trên thực tế, người ta đã biết Nguyễn Du không những là một nhà Nho uyên thâm, mà còn thông đạt cả đạo Phật lẫn Lão Trang, nhưng, trong cõi mênh mang huyền bí của cuộc sống tâm linh, đã mấy ai theo dõi được tường tận cuộc chuyển hoá mầu nhiệm của bản chất người thơ? Và cái Tâm Vô ngã của Nguyễn Du đã mấy lần vượt khỏi mọi ràng buộc của vật thể để tận nhập vào cõi vô cùng thanh tịnh, mở đường siêu thoát cho chúng sinh và cho chính mình? Và bản thể Nguyễn Du đã mấy lần tự hủy để rồi lại tái sinh qua bao nhiêu hình tướng, bao nhiêu duyên nghiệp? Và thần phách Nguyễn Du đã có lần nào lẩn vào xác bướm, hồn hoa? Hoặc có lần nào con người siêu phàm trong Nguyễn Du, biến hình thành Tiên thành Phật, thành Quỷ, thành Ma?

Những trạng thái đó, không mấy ai nhận thức được đích xác. Tuy nhiên, đối với người thơ thuần tuý Nguyễn Du, mọi sự phi thường đều trở nên sự thường. Trong cô độc, Nguyễn Du đã từng sống với thần tiên, ma quỷ, bởi vì ma quỷ thần tiên cũng chỉ là hình ảnh "phản hồn" của chính con người Nguyễn Du. Có thể nói: Thần tiên với ma quỷ cũng chỉ là "sản phẩm sáng tạo" của Người Thơ trong những phút giây xuất thế.

Hiện trạng sau đây sẽ chứng tỏ rằng tác giả "Chiêu hồn" có một thứ tâm bệnh thần linh, những lúc cơn bệnh bạo hành cũng là những lúc cái "thiên thể" kết tinh của người thơ xuất hiện, để lâng lâng tiêu dao trong cõi huyền vi ngoài vật lý:

"Từ ngày khởi nghĩa Cần Vương thất bại, tiên sinh trốn vào Gia Định không xong, bị giam lỏng ở quê nhà, đã trải qua bao nhiêu khổ cực: Mới ba mươi tuổi, đầu đã bạc, bệnh tật không có thuốc uống, thân thể đau ốm gầy gò, khi nằm phải lấy bó sách mà kê cho khỏi đau xương, mặt mày xanh xao phải nhờ chén rượu mới có nhan sắc, bế nước thì cả ngày không nấu nướng. Nhưng chính trong những năm về ở ẩn quê nhà đó, tiên sinh đã chu du trên 99 ngọn Hồng Lĩnh, ngắm dòng sông Lam, ngó vào mình, rồi nghiền ngẫm về cuộc đời đã trải qua, thương mình, thương người. Đứng trên đỉnh Hồng Lĩnh thương xót lũ chúng sinh vô tội, người nhìn dòng sông Lam thấy:

Bờ hư lử ầm ầm như sấm dữ, sóng lớn trông như có ma quỷ…

Rồi nghĩ rằng:

Ta trông thấy dòng sông Lam, tấc lòng thương áy náy, nên sợ lỡ "sẩy chân thời chìm xuống chốn không đáy…"

Và ngạc nhiên hỏi:

Sao mà người thế gian nguy hiểm không biết sợ, kẻ đi sao "cuồn cuộn, kẻ lại còn không ngớt".
Và lo hộ mọi người:

Lòng trời vốn hiếu sinh nhưng không được thế mãi.

Và ước vọng:

Muốn xô núi Thiện Nhẫn, lấp bằng 500 dặm" [4] .

Lại nữa, vào giai đoạn chót của cuộc đời nhà thơ, "lúc đau nặng, Nguyễn Du không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay xem, nghe thưa đã lạnh hết rồi, thi sĩ nói: "Tốt! Tốt!" rồi tắt hơi…" đủ hiểu thần trí Nguyễn Du an nhiên, bình thản biết chừng nào, khi người nhận thấy hình hài xương thịt không còn vướng bận, linh hồn sắp được nhẹ cánh bay xa. Biết mình sắp chết, nghĩa là sắp đi vào cõi "âm huyền mờ mịt", sắp lạc vào cõi "trường dạ tối tăm trời đất", mà vẫn ung dung tự tại, hơn nữa, còn tỏ ý hân hoan, sảng khoái, tất người đã trút bỏ được hết những não phiền nhân thế, chờ đón cái chết đến như một niềm giải thoát tột vời – cái chết sẽ đưa người tới cõi Vô Cùng Thanh Tịnh, nơi "vạn cảnh giai không". Phải chăng bởi vì người tự tin rằng trong kiếp sống, người đã có công tu dưỡng thiện căn, và tự nhiên người sẽ "siêu thoát khỏi trong luân hồi", không sự nghiệt chướng theo đuổi, như cái chết dữ ám ảnh những vong hồn đoạ lạc? Chỉ có đức Phật, trước thời khắc tịch diệt, mới giữ được Đức Tin vô lượng đó cùng niềm Hoan Lạc cao khiết kia.

Trong đời Nguyễn Du – đúng hơn: phải nói trong "đời sống anh hoa" của Nguyễn Du – hẳn có nhiều thời khắc tịch diệt như đức Phật. Vì, xin nhắc lại cái ý: "Bản thể Nguyễn Du hẳn từng có nhiều lần tự hủy để rồi lại tái sinh"… Người thơ đã hoà đồng chính mình cùng vạn vật, cho nên cũng sinh hoá, chuyển kiếp không ngừng như vạn vật. Đoạn trường tân thanh đến Văn tế thập loại chúng sinh, chúng ta có thể bảo rằng Nguyễn Du đã từng nhiều phen "chết trong cuộc sống" cũng như đã từng "sống toàn vẹn trong cả cõi chết". Và, chúng ta có thể nhận thấy: Dù nhìn vào cuộc sống huy hoàng về cái chết, tầm mắt nhà thơ vẫn là tầm mắt thấu thị (voyant), soi tỏ nhân tình và thông suốt hư linh. Ở cuộc sống hay cõi chết, thi sĩ đều bắt nguồn giao cảm từ một Tình Thương bao la như tấm lòng biển lớn của Phật tổ, để cũng như đức Phật từ bi, mở đường phương tiện, tiếp độ cho chúng sinh thoát khỏi mê lầm, khổ ải, đồng thời vạch lối tự tu, tự giác cho chúng sinh thấm nhập được cái lẽ uyên nhiên của Đạo Lý nghìn đời.

Tình thương xả kỷ của Nguyễn Du, nguồn tin tưởng độ thế của Nguyễn Du, hơn đâu hết, ở Chiêu hồn, đã dâng cao thành một niềm Tín Ngưỡng thiêng liêng, và hơn đâu hết, cái Khát Vọng Vô Cùng và Tuyệt Đối của người thơ ở đây đã được biểu lộ trọn vẹn nhất, tha thiết nhất, với tất cả nồng nhiệt tôn sùng của một tâm hồn không lúc nào ngừng khám phá thêm những vũ trụ huyền bí.

Tuy vậy, tác giả "Chiêu hồn" không dụng tâm làm một kẻ tín đồ truyền giáo. Cũng như không dụng ý đặt thành một căn bản triết học hay tôn giáo, với cái bản chất hướng thiện hàm dưỡng lâu ngày đã hầu thành một cao đạo, với hoài vọng thuần khiết của một kẻ sĩ quân tử hằng khao khát tìm một ý nghĩa nhân ái cho cuộc sống, và tìm một cứu cánh giải thoát cho cái chết, tự nhiên từ trong ý niệm sáng tạo của nhà thơ, đã có sẵn cái mầm kết tụ nhuỵ hương tinh tuý của đoá hoa Chân Lý toàn năng, toàn mỹ. Tự nhiên, trong mỗi âm thanh, vần điệu của Thơ Chiêu hồn, nghe như có vọng lại cái tiếng vang linh ứng của những bài Kinh Thần Tụng, vời vợi dâng lên dư hưởng tôn nghiêm của bản Thánh ca: Tất cả chìm đắm trong một mùi khói hương huyền diệu, khiến người có lòng tín mộ tự dưng muốn chắp tay cúi đầu khấn nguyện, hoà theo nhịp rung thần bí của những lời thơ xuất tự cùng thẳm linh đài sùng bái.

Vậy, trước hết, với cái tính chất tổng hợp, súc tích chuyển tới kết tinh thành hương khói thanh thoát, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du chính là một áng thơ thuần tuý – theo cái nghĩa toàn vẹn nhất của chữ "thuần tuý". Trên tất cả màu sắc triết lý và tôn giáo, cái bản ngã "Người Thơ Thuần Tuý" của Nguyễn Du bao trùm nhịp nhàng lên toàn thể áng thơ từ dòng đầu tới dòng cuối, truyền cảm xúc mê hoặc vào mỗi nhịp điệu, phổ cung bậc tân kỳ vào từng nét chữ và tạo cho chữ viết một ma lực quyến rũ khác thường, vượt xa hết mọi ảnh hưởng đương thời của văn học từ chương.

Chừng ấy nhận định đủ khiến ta cảm thấy Thơ Chiêu hồn tất phải được thai nghén trong một thời khắc xuất thần, "thời khắc duy nhất" – ở độ tột cùng của cảm hứng, giữa một trạng thái siêu ý thức của nhà thơ.

Áng thơ nhất khí dài 184 câu đó, từ chữ đầu đến chữ cuối chảy liền mạch không ngừng hơi, tuy gọi "Văn tế thập loại chúng sinh", nhưng không viết theo thể tài cố hữu của văn tế, mà viết theo ngôn ngữ thi ca song thất lục bát, chứng tỏ nguồn cảm hứng của thi sĩ trước hết chỉ là một nguồn cảm thuần chất thơ. Trước hết, thi sĩ muốn nói lên một tiếng nói chí thành và tha thiết của tâm linh nhắn gửi cho những vong hồn phiêu bạt ở bên kia cõi thế. Kiến trúc bài thơ như đã biến hình để chỉ còn là sương khói chập chờn, vọng thanh huyền bí, dư ba tuyệt vời. Cái tính chất linh ứng của tiếng nói thi nhân cứ tự nhiên lâng lâng rung trên vần điệu, và trong mỗi âm hưởng, trong mỗi ảnh hình, màu sắc, bài thơ tự nhiên toả ngát khói hương, chìm đắm hồn người vào không khí tín mộ của đàn chẩn tế, của lễ cầu siêu: Thoát khỏi mọi ước lệ của hình thức, văn thể, "Chiêu hồn" của Nguyễn Du với cái tính chất kết đọng của một áng thơ thuần tuý, vừa mới khởi đầu gảy khúc dạo, đã xô dồn cung bậc gió mưa cao vút, mỗi chữ đều có một thần phách chỉ đường, bút pháp như phất phới linh kỳ dẫn lối. Tất cả tạo nên một bản hợp tấu lạ lùng, mỗi hoà âm đều thâm trầm nhập điệu tôn nghiêm của bài ca chiêu niệm, của bản Kinh Thần tụng.

"Văn tế thập loại chúng sinh" đã thành hình – và phải nói đã thành hình từ trong tiềm thức Người Thơ.

Nhưng cần phải xác nhận: Nếu gọi Văn Tế, thì đây thật là một bài "Văn Tế" độc nhất linh ứng trong lịch sử văn học cổ kim. Linh ứng theo cái hướng truyền cảm hoàn toàn vô tư của một công trình sáng tạo dành riêng cho thập loại chúng sinh trên đường Thiên Cổ. Vậy đừng tìm ở "Văn tế thập loại chúng sinh" cái nghĩa cụ thể của những thứ Văn Tế đãi ngộ với người sống nhiều hơn cảm hứng cùng người chết. Cũng đừng tìm ở đấy những nguyên lý cấu tạo trên bình diện thực tế, những yếu tố kích thước phàm tục. Danh từ "Văn tế" quả đã được dùng với một cái nghĩa siêu thực tình cờ mà đắc vị.

Bài "Văn Tế" nhập hình thức một áng thơ thuần tuý đó, ngay từ dòng chữ đầu tiên, đã lôi cuốn người ta vào một khung cảnh "không thường":


Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay buổi chiều thu…


Tuy vậy, đó mới là cảnh sắc trần gian. Cõi trần gian mà trời đất đã thê lương ảm đạm nhường ấy (gió heo may toát hơi lạnh buốt đến tận những nắm xương khô), thì cõi âm kia còn thảm sầu bi thiết tới chừng nào?

Cuộc sống với cõi chết chỉ cách nhau một chặng đường ngắn. Như người đi trong giấc chiêm bao, thi sĩ nhẹ gót dạo qua chặng đường đó lúc nào không biết. Chỉ một bước, thi sĩ đã dẫn chúng ta đi lạc vào thế giới U Hồn, để mà chia nỗi xót thương cùng lũ âm vọng đơn chiếc:


Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa mấy niên;
Kể chi ai khá, ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu…


Thế giới của vong hồn đột ngột dựng lên trước mắt chúng ta. Và đây mới thật là "Thế Giới Đại Đồng", không còn phân biệt đẳng cấp, giá trị – cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần! Bởi vì "trước cái chết, mọi người đều bình đẳng". Thấm được trong lời nói vô cùng thương xót, chân lý Sắc Không đã bắt đầu mở hé một phương trời siêu thoát.


Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi.
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ cùng về Tây phương…


Tấm lòng bác ái vô biên của thi sĩ đã hoà đồng cùng tấm lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Lời nói của thi sĩ cũng là những lời kinh cầu nguyện thấm thía hơn cả mọi lời kinh. Ngay trong lòng tác giả "Chiêu hồn" đã có sẵn cả một đàn chay cứu khổ. Giọt nước cảm xúc của nhà thơ chính là hạt nước cành dương mầu nhiệm, có cái hiệu quả siêu sinh tịnh độ đối với những vong hồn còn nặng chướng căn.

Hương hoa tín ngưỡng cùng khói nhang phụng thờ từ trong ý nguyện thi nhân, đã dày bày thành một lễ Vu Lan [5] thành khẩn, tuy không thể hiện với đầy đủ nghi thức trọng thể, nhưng có lẽ là một lễ Vu Lan đầy đủ ý nghĩa nhất, và cũng thiêng liêng linh dị nhất.

Đàn chẩn tế của thi sĩ, dù chỉ thành hình trong ý nguyện nhưng có một giá trị tượng trưng tuyệt đối, một giá trị nhân đạo vô cùng cao đẹp. Và tuy Nguyễn Du không tu thành Phật như một Mục Kiền Liên [6] , nhưng tấm lòng nhân từ kiêm ái của thi sĩ cũng kết tự "Phật tính" viên mãn không kém gì đạo đức tu dưỡng của người cao đệ Thích Ca Mâu Ni. Một đàng nhờ Phật pháp nhiệm mầu làm phương thuốc giải mê cho chúng sinh chỉ vì thương chúng sinh đau khổ – một tình thương hoàn toàn vị tha, xả kỷ, một thiên chức hoàn toàn vô tư, một ý nguyện không gợn mảy may dục vọng! Một đàng muốn cầu xin ân đức hải hà của Phật Tổ để cứu vớt cho linh hồn khổ đoạ của bà mẹ tội lỗi – vì lòng mộ đạo chí thành, và trong hết, vì bổn phận báo hiếu của người Phật tử.

Hai thái độ sùng tín, hai nguyện vọng giải thoát linh hồn! Hai đài thiêng cùng thiết lập,và hai linh hồn cùng tự hiến dâng cho Đạo lý: Từ Mục Kiền Liên đến Nguyễn Du, từ lễ Vu Lan đầu tiên đến Văn tế thập loại chúng sinh, thiết tưởng chúng ta khỏi cần tìm nhịp cầu ảnh hưởng tương quan, cũng như khỏi cần vạch rõ con đường chuyển tiếp mạch nguồn cảm hứng. Cái Tâm Duy Nhất của Phật Tổ đã vượt qua cả không gian lẫn thời gian để chứng nguyện cho tất cả mọi tấm lòng mộ đạo. Từ tấm lòng thành kính của người Phật tử đầu tiên mở đường hương khói Vu Lan đến tấm lòng tín ngưỡng tinh khiết của nhà thơ tác giả Chiêu hồn, con đường nối duyên không còn cách biệt. Hai tấm lòng đều có chung một vị Phật. Hay là: mỗi tấm lòng đều hiển hiện một vị Phật sẵn sàng phổ độ cho chúng sinh.

Phật có mặt ở khắp mọi nơi. Và hơn đâu hết, ở áng thơ thuần tuý của Nguyễn Du, bóng dáng Phật lại càng hữu tình, huyền diệu. Không vướng mắc hình thức lễ nghi phức tạp, đường lối tìm đến Phật của nhà thơ chỉ là đường lối thanh tuyền của linh giác, cho nên càng dễ thần giao cảm ứng, càng dễ đạt tới địa hạt thoát tục, siêu hình.

Chúng ta không hiểu có phải hào quang của Phật pháp đã phản chiếu ở lời thơ Chiêu hồn, hay chính là hào quang của lời thơ đã khiến cho phép Phật thêm linh diệu.


Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u.
Rắp hoà tứ hải quần chu,
Não phiền trút sạch, oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyện pha luân tám giới thập phương,
Nhơn nhơn Tiên Diệu Đại Vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khuy tỉnh chiêm bao.
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh…


Chúng ta cũng không hiểu có phải tấm lòng từ bi vô ngã của Phật đã thấm vào lời thơ, hay chính là tinh tuý phát tiết từ những lời thơ nhuần thấm vô lượng Tình Thương của thi sĩ đã khiến chúng ta "nhìn" thấy bóng dáng Phật, và truyền cho chúng ta nguồn thanh hương sáng láng của đạo tâm. Trên lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta cũng không hiểu công phu hàm dương của Nguyễn Du đã có đủ quyền lực thần thông để thi sĩ tự mình ban ân huệ cho những vong hồn đoạ lạc như một vị Bồ Tát đem phép thiêng "biến không thành có, biến ít thành nhiều". Nhưng trên địa hạt nghệ thuật, hoan lạc thi tứ của Nguyễn Du quả thật có thể tạo được nên những phép lạ.

Phép lạ thứ nhất ở Chiêu hồn là cái phép "biến không ra có", làm cho cái vô hình trở nên hữu hình, làm cho những vật trừu tượng cũng hiện thực, truyền cho những vong hồn một đời sống hiển nhiên của vật thể. Dưới ngòi bút thi sĩ, những bộ xương khô nằm trong huyệt lạnh bỗng đỡ nâng thao thức cựa mình, những người chết từ mấy kiếp cũng dần dần hồi sinh, lũ hồn ma thiên cổ lần lượt sống lại, và đi dạo chập chờn ngay trước mặt chúng ta. Với kỹ thuật tái tạo của thi ca, Nguyễn Du đã kết tụ được cả từng điểm tinh anh thoi thóp trong trời đất, dung hợp được cả những thực thể có hình tượng, sắc màu – những bóng ma sống lần cùng trần thế:


Nghe gà gáy tìm đàng lẩn tránh,
Lặn mặt trời lẩn thẩn bò ra.
Lôi thôi bồng trẻ dắt già…


Những hồn ma "phảng phất u minh" đó, từ khi Nguyễn Du lên tiếng chiêu niệm, đã trở nên quen thuộc quá đối với chúng ta: Với Chiêu hồn, Nguyễn Du đã khiến trần gian làm quen với cõi Chết, và làm cho những hồn ma thêm gần gũi người trần.

Không phân biệt sang hèn, hiền ngu, thi sĩ kêu gọi tất cả mọi vong hồn, chia đều tình thương cho tất cả, nguyện cầu cho tất cả mọi linh hồn khổ luỵ đều thoát khỏi nghiệp chướng luân hồi. Hình bóng của thập loại chúng sinh khắp ba ngàn thế giới đau thương được thi sĩ gọi lên, trong tất cả mọi cảnh ngộ, dưới tất cả mọi chiều ánh sáng, kinh dị vì xác thực, thê thảm tới rợn người vì hiện rõ chân tướng.

Nhưng kẻ ham tranh bá đồ vương gặp buổi vận cùng thất thế, những kẻ hào phụ giàu sang gây nên thù oán đến nỗi máu chảy xương rơi, những kẻ màn loan chướng huệ, những kẻ cung quế phòng hoa gặp khí sơn hà thay đổi, những kẻ mũ cao áo rộng đầy túi kinh luân, hết cơn thịnh mạn tới buổi lầu cao viện hát tan tành, những kẻ bài binh bố trận gặp lúc đạn lạc tên rơi, những kẻ hám danh chuộng lợi, những kẻ bạc chảy tiền ròng, bất kỳ gặp phải tuần mưa cữ nắng, những kẻ xông pha hồ hải gặp cơn giông tố giữa dòng, những kẻ đi buôn về bán gặp phải phong sương, những kẻ buôn nguyệt bán hoa, những người hành khất, đoàn tù rạc, những tiểu nhi lỗi giờ sinh, những kẻ bỏ mình vì tai nạn.

Tất cả những kiếp người đó, tuy mỗi người một nghiệp khác nhau, nhưng chết đi, rốt cuộc chỉ còn lại là một lũ cô hồn thất thêu "thở than dưới đất, ăn nằm trên sương"…


Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối chân mây.
Hoặc là điếm cỏ, bóng cây,
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ.
Hoặc là nương thần tu Phật tử,
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông.
Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc là gò đống, hoặc vùng lau tre…


Trước kiếp sống phù du cùng cái chết đoạ lạc như vậy, thi sĩ đã xúc động viết nên Chiêu hồn với tấm lòng cứu nhân độ thế của đức Phật. Đáng kể hơn: đức Phật trong lòng Nguyễn Du không phải chỉ có phép màu giải thoát chúng sinh, mà còn hoàn thành một công trình sáng tạo kỳ diệu truyền lại dư âm tới muôn đời. Phải nói rằng: Chính phép mầu của những vần thơ Chiêu hồn đã đặt vào giữa lòng mỗi người một vị Phật:


Kiếp phù sinh như hình như ảnh,
Có chữ rằng: "Vạn cảnh giai không";
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi…


Ở đây, thật không còn cái bóng dáng của thế sự.

Cuộc sống thực tế, cuộc sống xã hội, chính trị, tất cả mọi băn khoăn xao động của kiếp sống MỘT THỜI đều nhoà đi trước cái chu tuần thời gian bất tận chuyển vần bao duyên nghiệp trong vòng luân hồi truyền kiếp: Những "hoài niệm Lê triều", "tài mệnh tương đố", "nỗi lòng Từ Hải", tâm sự Thuý Kiều", những "hỷ, nộ, ái, ố, dục…" của một con người sống giữa nhiều con người khác – trước cái đối tượng con người – tất cả đều không còn hiện lên bóng dáng cụ thể mà chỉ còn là ảo ảnh, là hội thanh, là dư hương, là âm ba, là biểu tượng… Và đó mới là tính chất của Thi Ca Thuần Tuý. Bởi vì tất cả đều đã gạn lọc, kết tinh, chìm lắng vào địa hạt khói sương huyền mặc của trực giác.

Xét về phương diện Kỹ Thuật, thì Nguyễn Du là một tay phù thủy dùng chữ như sai âm binh. Bài thơ phảng phất cái ma lực quyến rũ của bài thần chú. Có những vần điệu, những âm thanh, từ ngữ toạ triết linh hồn ta, thấm vào tận não cân ta, và không biết phép nhiệm mầu phát khởi từ đâu khiến ta mê hoặc, có lúc run sợ, hoang mang, có khi xót xa thông cảm. Kỳ dị nhất có khi ta đọc lời thơ mà thấy rờn rợn y như chợt nói lên một điều gở miệng mà chúng ta thường kiêng nhắc tới, cũng như kiêng đọc lên bài kèn lâm khốc, khi trong nhà chưa có người nằm xuống.

Thử đọc đoạn thơ trích sau đây – ai mà không thốt nhiên rùng mình, ít nhất cũng thấy lòng se lại trong một niềm tê tái thoáng qua, giữa đêm khuya chợt nghe thấy tiếng khóc đám ma, hoặc tiếng đóng cá quan tài từ đâu văng vẳng:


Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.
Lấy ai bồng bế xót xa,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có những sẩy cối sa cây.
Có người đào giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái,
Người thì vướng mảnh hái ngà voi.
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy có người khốn thương…


Thiết tưởng trong lịch sử thơ văn Đông Tây kim cổ, hiếm có một áng thơ truyền cảm tới cái độ trở nên một niềm ám ảnh, hơn thế nữa, một lời nguyền linh dị, những lời thần chú thiêng liêng, những lời nói của Định Mạng!

Người ta thường nói đến bản nhạc "Danse Macabre" của Saint-Saëns [7] , một vũ khúc kỳ ảo mà âm hưởng, tiết tấu dựng lên cả khung cảnh ma quái, với những bộ xương khô từ dưới huyệt hiện lên múa nhảy, va chạm vào nhau lóc cóc…

Trước đây tự hơn một thế kỷ, và trước cả Saint-Saëns, Nguyễn Du cũng đã tạo nên một khúc nhạc tấu ma quái không kém gì Danse Macabre. Nhưng "đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc", những "quỷ không đầu đón khóc đêm mưa", những "cô hồn thất thểu", những "bãi tha ma kẻ dọc người ngang", những "nắm xương vô chủ", nắm xương chôn rập góc thành", những "ngọn lửa ma trơi", những "tiếng oán văng vẳng"… đặt bên những khung cảnh: "mô nấm ngổn ngang", "trời xâm xẩm mưa gào gió thét", "khi âm huyền mờ mịt", "hòm gỗ ra, bó đóm đưa đêm"… tất cả mọi kho tàng hình ảnh rùng rợn, gở quái, rung theo những nét nhạc tuy thuần chất Đông phương, nhưng vang lên âm hưởng thắm thiết lạ lùng, đắm đuối vào những tiết điệu có lúc buông chìm thăm thẳm, có lúc dâng cao tuyệt vời: chính đó là một bản hợp tấu thần kỳ mà bút pháp cổ điển của các thi gia Việt Nam trước Nguyễn Du cũng như đồng thời với Nguyễn Du chưa từng thí nghiệm.

Nghệ thuật gợi cảm hết sức tân kỳ của tác giả Văn tế thập loại chúng sinh đã truyền một Hồn Sống Vĩnh Cữu cho chữ viết khiến chúng ta ngày nay cũng vẫn còn thấy nghệ thuật đó Mới. Cái Mới của Thơ Chiêu hồn đã sống bền hơn một trăm năm. Chúng ta có thể tin chắc rằng áng thơ thuần tuý độc nhất vô nhị đó tới ngày tận thế cũng vẫn còn Mới. Và chắc rằng ở cả thế giới bên kia đối với những linh hồn thiên cổ, Thơ Chiêu hồn mãi mãi cũng sẽ còn giữ được cái màu sắc tân kỳ.

Tự bao lâu nay, linh hồn Nguyễn Du, sống trong luồng sinh diện thần giao phát tiết ra từ bao linh hồn khác, tới bây giờ và bao giờ nữa, vẫn còn rạo rực ấm nóng trong Văn tế thập loại chúng sinh. Trong từng âm thanh, văn điệu, linh hồn Người Thơ toả rộng bao trùm, với tất cả khói hương ngây ngất (mùi khói của trầm bạch, của hương đen, mùi hương gỗ của hoa sen, hoa huệ… có cả cái mùi lạnh toát của gỗ hạnh đan, cái mùi nồng nàn mà rờn rợn của nước ngũ vị hương, của thứ "nước vàng" để rửa những bộ xương khi bốc mộ…) hoà cùng những tiếng trống, tiếng kẻng, tiếng mõ, tiếng đều đều tụng kinh trước một đàn chay phá ngục… (văng vẳng cả những tiếng xương khô va chạm vào tiêu sành, tiếng một điệu kèn Già Lam thổn thức…). Toàn cõi U Minh của người chết tất có một lúc thốt rùng mình đón nhận một luồng sáng truyền cảm mê hồn của thi nhân, như đón nhận một luồng sinh khí hồi dương huyền diệu.

Như một bực Á Thánh, như một vị cao tăng đạo đức, như một thuật sĩ có quyền phép nhiệm mầu, hay là như một nhà thần linh học có trực giác bén nhạy khác thường, thi sĩ có thể vẫn dùng được cái quan năng siêu phàm của mình, để cảm thông với Hư Linh, cho nên bất cứ lúc nào thi sĩ cũng có thể làm cho Âm Dương dung hợp.

Hơn cả một nhà khoa học, tác giả Chiêu hồn đã để lại cho chúng ta một công trình khám phá kỳ tuyệt. Thi sĩ đã đem lại cho chúng ta tất cả dư hưởng gần gũi của cõi U Huyền vô hình vô ảnh, làm cho thân mật thêm cái Thế Giới Bên Kia huyền bí hơn cả muôn triệu vì sao lạ.

Viết Chiêu hồn, Nguyễn Du trực tiếp đàm thoại cùng những vọng thanh linh ứng của người chết. Giữa hai dòng chữ ở một chỗ ngừng hơi (hay ứ hơi thì đúng hơn) – tựa một khoảng im lặng của một bản nhạc – tưởng chừng có phảng phất cái âm khí ma quái từ cõi Diêm Cung thoảng về? Tất cả cái thi vị ghê rợn đến não nùng đó, không hiểu sao truyền tới những người sống như chúng ta, liền bên cạnh giây phút rùng mình, vẫn phơn phớt gợn nhẹ một cảm giác vô cùng sảng khoái.

Chúng ta chợt hiểu: Con đường siêu thoát mở ra trong Chiêu hồn chính là con đường dẫn chúng ta đi vào hủy diệt để mà tìm lấy Bất Diệt.

Tất cả mọi công trình vĩ đại trên thế gian này – kể cả công nghiệp lộng lẫy của chính Nguyễn Du xây dựng trên nền cẩm thạch Đoạn trường tân thanh – tất cả rồi cũng sẽ có ngày trở về cát bụi. Nhưng Chiêu hồn vốn chỉ là một bản thông điệp gửi cho thế giới của Linh Hồn, sẵn kết tụ cái tinh tuý của Không Hư, thấm nhập được vào tận cõi vi diệu của Đạo Sống miên trường, Chiêu hồn sẽ không bao giờ ngưng tắt dư vang âm vũ trụ.

Chúng ta cứ yên trí rằng: Một ngày nào tới đây, xa lìa cuộc sống, khi tất cả mọi vang bóng trần gian đều lặng chìm vào tịch mịch, chỉ riêng khi đó, chúng ta sẽ lại nghe Người Thơ Thuần Tuý Nguyễn Du lên tiếng nói tiên tri ứng nghiệm tự mấy kiếp của thơ Chiêu hồn:


Ai đến đó dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng thầy.
Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không…




[1]Bài này tác giả viết năm 1957, nhân ngày kỷ niệm Nguyễn Du.
[2]Những chữ đóng dấu ngoặc kép là của giáo sư Nghiêm Toản, viết về truyện Kiều (Việt Nam Văn học sử trích yếu, tr. 116).
[3]Viết đoạn này, tôi muốn tiếp ý nhà văn Hoàng Trọng Miên, trong cuốn phê bình khảo luận về "Chiêu hồn" của Nguyễn Du, xuất bản năm 1942. Họ Hoàng chắc đã bận tâm nhiều về thái độ "vô thần" của những kẻ mệnh danh theo khoa học duy vật thời đó, nên đã viết:
"Học thuyết hình nhi thượng của Phật giáo đã làm nền tảng cho hai tác phẩm (Kim Vân Kiều và Chiêu hồn) của Nguyễn Du, ngày nay chắc có kẻ sẽ căn cứ vào khoa học mà công kích chỗ duy tâm của thi sĩ. Những kẻ ấy lầm, vì họ quên nghĩ rằng ở trong con người muôn thuở bao giờ cũng có một phần vượt lên trên lệ luật của khoa học duy vật. Tự muôn đời, thi văn, nghệ thuật, học thuyết cao siêu đều căn cứ vào hình nhi thượng, vì cái phần muốn vươn lên trên cao là một sức mạnh căn bản của linh hồn loài người".
[4]Tài liệu trích trong cuốn "Khảo luận về Đoạn trường tân thanh" của Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử (Nam Sơn xuất bản, tr. 57-58).
[5]Lễ cúng dường chư Phật, nhằm ngày rằm tháng Bảy (tiết Trung nguyên) để cầu nguyện cho các vong hồn được siêu sinh tịnh độ.
[6]Theo kinh Vu Lan Bổn (Avalambana) gốc ở Ấn Độ, một đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Mục Kiền Liên, có bà mẹ làm nhiều tội ác, khi chết phải đày xuống địa ngục chịu mọi cực hình. Mục Kiền Liên tu thành Phật, nhìn xuống cõi âm thấy mẹ bị giam cầm trong ngục quỷ đói, chạnh lòng thương xót, đem cơm xuống dâng cho mẹ. Nhưng thức ăn chưa vào miệng đã hoá ra lửa, hồn không thể nuốt trôi. Mục Kiền Liên cầu xin Phật Tổ cứu vớt. Phật Tổ dạy đến ngày Trung nguyên phải kiếm lễ vật trọng thể bày vào mâm Vu Lan dâng cho các thầy từ mười phương để họ tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn, có thế mới thoát khỏi những khổ cực ở ngục ngã quỷ. Mục Kiền Liên vâng lời, tự đó mới tiếp độ được cho mẹ. Và cũng tự đấy, người Tàu theo sự tích trên, đặt ra lễ Vu Lan.
[7]Saint-Saëns (Camille), nhạc sĩ Pháp, sinh tại Balê (1835-1921), tác giả những nhạc phẩm nổi tiếng: Samson et Dalila, Phryné và Danse Macabre…

Nguồn: Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Không có nhận xét nào: