cập nhật lúc 6 giờ ngày 5-3-2008
Cao Huy Khanh
VIẾT VĂN NHƯ… MUA VÉ SỐ!
(Lời bạt cho tập truyện “Mê đạo” của Lê Xuân Tiến *)
Truyện “Mê đạo” được dùng để đặt tên chung cho tập truyện này hẳn được tác giả yêu thích cho là hay nhất, tác giả nói như thế nhưng tôi lại không nghĩ như thế. Có thể vì tôi bây giờ trần tục thô thiển “thực dụng” quá, đã qua rồi thời “Buồn ơi chào mi!”. Nhưng không trách được bởi hình như cũng giống như… mọi người – trong đó chắc có tác giả - thôi mà!
Truyện chủ lực “Mê đạo” có thể xem như thuộc loại “huyền truyện” dựa trên những giai thoại dân gian có tính lịch sử để hư cấu, vẽ vời thêm sự kiện chi tiết nhằm “gài” vào đó những ẩn dụ nào đó theo ý người viết. Ở đó có nhiều ý nghĩa thâm thúy, triết lý cao siêu lắm về lẽ đời lẽ đạo, nhân nghĩa tình người cho đến sự nghiệp dờøi non lấp biển hay cả vận mệnh quốc gia nữa kia. Tất cả được thể hiện gián tiếp qua cách diễn đạt văn phong biền ngữ sắc gọn cô đọng phù hợp mà tác giả – thuộc thế hệ “Hậu chiến” - tỏ ra có tay nghề vận dụng thành thạo đáng ngạc nhiên.
Nhưng đây là thể loại hơi… lỗi thời rồi lâu này và hiện nay ít thấy xuất hiện nữa, nhất là trong cái thời đại thông tin trực tuyến nói thẳng nói thật nói nhanh gọn chứ chẳng ham nói loanh quanh như bây giờ. Có lẽ cùng với thời gian, quá trình từng trải, tác giả cũng đã nhận ra điều đó nên bên cạnh “Mê đạo cổ điển” dạy bài học làm người còn hiện diện một số “Mê đạo hiện đại” là chuỗi truyện ngắn phân tích tâm lý con người trong nếp sống công nghiệp hóa xô bồ hóa hiện nay gây ấn tượng đáng chú ý như “Tàu đêm”, “Nằm viện”… Ở đây thế mạnh của tác giả trong khả năng đi vào những ngóc ngách tâm tình sâu thẳm phức tạp dằn xé giữa những mâu thuẫn nội tâm được phát huy khai thác cái đáy sâu âm thầøm lắng đọng dưới bề mặt yên ả đời sống bình thường hàng ngày của mỗi người trong đó nổi lên nỗi cô đơn đau buốt của mẫu nhân vật nữ được ưa thích là người bị tình phụ. Thật lạ khi đây cũng là khuynh hướng truyện ngắn đặc sắc trước đây của một nhà văn gốc Quy Nhơn đồng hương với tác giả.
Cho nên dễ hiểu ở đây hay bất cứ ở đâu viết về quê hương thuờng là viết hay nhất, nó làm nên những trang văn sâu và đẹp: “Ven hàng rào nhà ga chợt sáng lên những chùm hoa dại trong đó có lẫn lộn những chùm hoa ổi tàu với những sắc đỏ vàng làm chợt nhớ “năm tháng xa xôi hoa ổi tàu hoang dại”…Biển và trời trải rộng xa thẳm, chỉ thấp thoáng vài dãi núi mờ mờ. Bãi cát hoang sơ trắng xóa, mấp mô những sợi rau muống biển nhẹ nhàng vừa êm ái…”. Chiều sâu tâm lý nhân vật như gặp được chất kích thích gây mê chìm đắm trong tầng lớp tiềm thức kêu gọi xúc cảm chân thật: “Hiền sống trong gió biển và tiếng sóng biển luôn ầm ì trong giấc ngủ. Vì thế vào thành phố nỗi nhớ quê của Hiền chính là nhớ biển. Có đêm nằm mơ, Hiền thấy mình nằm trên bãi cát dưới những hàng dương lồng lộng gió để rồi thức giấc trong cái nóng bức và bẩn chật của thành phố bê tông mới thấy nhớ tiếc.” (truyện “Tàu đêm”). Quả là khó lẩn vào đâu được chất văn của người dân phố biển Quy Nhơn, thuần chất thô ráp mạnh mẽ như nhân vật Chàng Lía của “Mê đạo”. Nhưng không phải là không tiềm ẩn nét lãng mạn mặn mà của vị muối biển bởi đừng quên nơi đây từng một thời nuôi dưỡng mầm mống nhạc Trịnh.
..............................................................................
Thường người ta chỉ biết tác giả là một nhà báo – lại là nhà báo… thể thao! - chứ không ngờ còn là một người viết truyện ngắn tuy vào nghề khá lâu (đầu những năm 90) song dường như sau đó đã có ngưng lại một thời gian rồi gầøn đây mới viết lại nên dễ hiểu là có khoảng cách giữa hai giai đoạn đó cũng như chưa định hướng rõ nét, chưa có sự chăm chút đồng đều đối với mỗi truyện từ kết cấu đến ngôn ngữ. Nhưng dù sao tác giả vẫn đã có một cuộc bắt đầu lại đủ để hy vọng hình thành một cái mới gì đó ít ra cũng đối với bản thân mình.
Và đó mới là điều đáng quý khi đặt ra câu hỏi hà cớ gì anh quay trở lại với sáng tác truyện ngắn mà với nghề nghiệp nhà báo anh đã quá biết nó đại hạ giá như thế nào trong cái thời buổi văn chương đảo lộn nhiễu nhương rẻ hơn bèo hôm nay? Có thể đây là một cách “tự cứu” giữa cái thế giới hoàn hảo như mộng tưởng never never đối với một con người đã kinh qua bao thăng trầm thế sự cõi ta bà để từ đó mới ngộ ra chân lý của Dostoievski “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Mà trong thế giới đóù ngoài anh ra còn có biết bao người khác nữa nên hãy xem tập truyện này là một món quà như hai tấm vé số “đừng mơ chuyện trên trời” mà ngày qua ngày người ta vẫn mua đấy thôi (truyện “Nằm viện”). Bà bán vé số dạo, các em bé bán vé số trên đôi chân ngàn dặm – chứ không phải là đôi hia – xin hết sức cám ơn!
Mua vé số là mua hy vọng. Cho nên viết truyện cũng là một cách mua vé số không chỉ cho mình mà còn cho cả cuộc đời, cho nhân gian. Và đọc truyện cũng thế, là mua hy vọng, chúng ta cứ mua hy vọng đi có sá gì. Không cần trúng!
Cao Huy Khanh
TPHCM tháng 12.2007
(*) Nxb Văn Nghệ TPHCM, tháng 1.2008.
Cùng một tác giả:
NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC, NHỚ THẦY ĐÔNG HỒ
Cao Bá Quát:
BẢN DANH SÁCH “ĐEN” CỦA TÚ XƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét