Thứ Hai, 3 tháng 3, 2008

CAO HUY KHANH

NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC, NHỚ THẦY ĐÔNG HỒ
CAO HUY KHANH

Mỗi năm hoa đào nở ….
Tôi không phải là học trò của nhà thơ Đông Hồ (1906 –1970) dù những năm cuối thập niên 60 tôi cũng học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ (nay là Khoa Văn ĐH Tổng hợp đường Đinh Tiên Hòang, nằm bên cạnh Đài TH TPHCM), nơi ông đã dạy học 5 năm cuối đời. Thứ nhất do ông dạy môn Văn học miền Nam ở Chứng chỉ Văn chương Quốc âm trong lúc tôi học khoa Triết Tây . Hai nữa là tự nhiên tôi thấy… không thích ông mấy.
Không ưa vì nhiều lẽ. Thơ ông vào thời đó là quá cũ, một kiểu “Hậu Nam Phong”, biền ngẫu thêu hoa dệt gấm với phong cách thế kỷ thứ 19 thì làm sao mê nổi. Con người ông lại quá đẹp theo kiểu nữ tính: Người mảnh khảnh gần như ẻo lả nhưng vẫn thanh tú, môi đỏ, da hồng, ăn mặc chải chuốt, (kể cả móng tay cũng được chuốt kỹ càng), nói năng nhỏ nhẹ, đi tới đi lui lất phất đúng như kiểu cách mô tả “dời gót hài”.
Đặc biệt cách dạy học của ông cũng khác người nữa (thỉnh thỏang rỗi việc tôi cũng vào lớp ông nghe ké vài buổi thường buổi sáng thứ ba hàng tuần): Dạy kiến thức thì ít mà kể chuyện đời, nói chuyện đạo lý lan man thì nhiều, biến lớp học thành ra giống như một buổi họp gia đình thân mật cha con vậy. Ngoài đời ông cũng rất sành những thú chơi tao nhã cực kỳ siêu tuyệt mà chẳng bao giờ chúng tôi theo nổi, chịu nổi như chơi cây cảnh, viết câu đối, đốt hương trầm, vẽ tranh Tàu, chơi sách cổ… Có lần vào dịp Tết đến, ông còn thắng nguyên một bộ quốc phục bằng lụa gấm, tay cầm quạt ngà như một ông tiên ngất ngưởng đến trường vậy!
Trong lúc đó thì ngoài đường, dưới phố, trên báo chí và ở những bãi chiến trường xa xôi, một xã hội chiến tranh vẫn không ngưng xé nát những đời người và lòng người. Sinh viên đấu tranh xuống đường, hàng rào kẽm gai, phi tiễn và lựu đạn cay, Tòa án quân sự đặc biệt, chuồng cọp… Trong tình cảnh đó quả là thật khó mà nuốt cho được những bài giảng triết lý Đông Phương kiểu “có mà không, không mà có” hết hiểu nổi (của một ông thầy giảng bài “trên trời” khác, cụ Nguyễn Duy Cần) hoặc những hình ảnh lá hoa cây cỏ hoang sơ, lãng đãng dìu dặt ngập tràn lớp học của thầy Đông Hồ.
Năm thầy Đông Hồ mất cũng là năm tôi ra trường đi dạy ở tỉnh xa, đến lúc đó, lúc đã thực sự bước chân vào nghề dạy học tôi mới nhiều lần sực nhớ đến ông, đến cái lớp học kỳ lạ của ông – lớp học chuyên dạy về những nghĩa lý của cuộc sống, về đạo làm người mà cái đầu đề của mỗi tiết giảng trong chương trình chỉ là một cái cớ không hơn không kém. Bởi khi ấy tôi cũng muốn thông qua Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…. để nói lên với học trò mình một cái gì đó nằm ngoài các cuốn sách giáo khoa thuần túy. Đó là vô vàn câu hỏi mà chúng cần lời giải đáp: Hỏng (hay đậu) Tú tài rồi, em phải làm gì? Có phải đi lính không? “Dấn thân” nghĩa là gì? Bao giờ có hòa bình? Em có biết nông thôn mình bây giờ bị chiến tranh tàn phá thế nào không? Yêu nước là như thế nào? Chữ Tình, chữ Hiếu, chữ Nhân làm sao phân biệt? … Tất nhiên phải tìm cách nói khéo khéo một chút chứ không cũng gặp rắc rối với một vài ông sếp từng mang lon trung uý, đại úy biệt phái về trường.
Đến lúc đó tôi mới thấm thía bài học của thầy Đông Hồ (tuy có phần thầy dạy “ngoài đề” hơi nhiều): Không, dạy học không phải chỉ là dạy kiến thức suông mà còn phải dạy cho thế hệ kế tiếp “nên người”! Chỉ có khác là cái mục tiêu nhắm đến của tôi nó thực tế hơn, trực diện hơn và đó là do tôi cách ông không chỉ một mà là đến hai thế hệ. Nhưng chắc chắn khả năng dạy học của tôi khó có đủ sức thuyết phục, cảm hóa , đi sâu vào lòng người bằng thầy được .
Sự nghiệp thầy Đông Hồ để lại có nhiều: Nhà thơ, nhà báo, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn học… nhưng có thể nói cái nào cũng hoặc là dang dở, hoặc chỉ có giá trị lịch sử chứ chưa đạt tới đỉnh cao. Duy chỉ có sự nghiệp giáo dục văn hóa dân tộc của ông có lẽ để lại nhiều ấn tượng thực tiễn cao đẹp nhất. Mới 20 tuổi đã cả gan mở ra trường tư “Trí Đức học xá” ở tận cái đất Hà Tiên khỉ ho cò gáy dưới thời Pháp thuộc, sau đó tất cả các hoạt động khác đều qui về một chủ đích tuyên truyền, cổ động cho tiếng Việt và đến cuối đời lại trở về đứng trên bục giảng ĐH Văn Khoa.
Hẳn đó cũng là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất đời ông khi được thực sự đóng vai trò một ông đồ Nho giữa một đám môn sinh đầu xanh tuổi trẻ mà ông xem như con. Vì lý do đó mà một lần nữa ông tự nguyện rời bỏ cái nếp tâm lý bình sinh thích “ở ẩn” của mình để tìm đến với thế giới đông đúc bên ngoài. Cả đời ông, ông đã đi “ở ẩn” nhiều lần, có khi là về Hà Tiên ở ẩn hẳn, có khi dù ở Sài Gòn làm việc nhưng ngay sau lưng phòng làm việc (ở đường Kỳ Đồng) vẫn dành ra một khoảnh giang sơn để “ở ẩn” (ông đã chẳng đặt tên cho nó là “Đại Ẩn Am” sao?). Những nhà Nho bất đắc chí thường vẫn quen hành xử một cách bất cần đời như thế nhưng khi trở lại với các môn sinh để tiếp tục thực hiện nguyện vọng bồi đắp cho nền văn học dân tộc tương lai, niềm vui của ông thật tràn trề:
“Đây thế hệ anh hoa tuấn tú
Đêm ngày đang vui thú sách đèn
Say sưa nghĩa lý thánh hiền
Đông Tây kim cổ triền miên mộng vàng
Đang đợi những huy hoàng cao cả
Đang bắt tay luyện đá vá trời
Một trời Đại học, một trời Văn khoa.”
Và lạ lùng thay trời đất như cũng đền bù cho ông một phần thưởng quá đẹp: Ông là nhà giáo hiếm hoi ngất xỉu hôn mê ngay trên bục giảng rồi chết trong vòng tay của học trò.
…………………………………………………………………..

Tôi viết bài này vào một ngày Tết để có thể đăng báo kịp vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Đông Hồ (10/3/1906) cho nên không thể nào không liên tưởng đến bài thơ nổi tiếng mỗi khi Tết đến “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già…” của Vũ Đình Liên. Vâng, thầy Đông Hồ với tâm huyết, với cách dạy của mình cũng là một ông đồ Nho, một ông thầy đồ giữa thế kỷ 20! Một trong số ít ông đồ cuối cùng có thật của chúng ta.
Thầy Đông Hồ đã ra đi 26 năm, Vũ Đình Liên thì đã mất cách đây gần hai tháng (1996). Rồi còn ai nữa “những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?”.
Nền văn hóa - giáo dục dân tộc của chúng ta đã từng có và mãi mãi sẽ cần có nữa những ông đồ như thế – những ông đồ “hiện đại” của thế kỷ 21, thế kỷ 22…
CAO HUY KHANH
Đầu năm Bính Tý 1996 (Văn Nghệ TP)

Không có nhận xét nào: